Tôi kể chuyện Bác Hồ, thuyết trình về “Những lời Bác dạy Thanh niên”, đạt được những giải thưởng coi như đáng kể, tưởng đã gọi là “có chút kiến thức”, đã hiểu, đã cảm, đã thương Bác, kính Bác thật tấm lòng, đâu ngờ những cảm xúc đó xem ra còn rất hời hợt, sách vở khi giờ đây so sánh với những gì đang tràn ngập trong lòng tôi, sau chuyến xuyên Việt “Theo chân Bác” vừa qua. Cái cảm giác đầu tiên là tận hưởng niềm vui của sự may mắn đem lại, may mắn vì được một chuyến đi giá trị mà ít người có được, may mắn vì chuyến học tập mà cũng là “du lịch” về những miền đất nước thương yêu mà tôi chưa từng đặt chân, may mắn vì tôi đang cần một chuyến đi... Khi đến điểm đầu tiên, niềm vui đó trở thành sự háo hức phập phồng trong lồng ngực như muốn bung ra ngoài, tôi say mê với chiếc máy ảnh, bấm tất cả những góc độ mà tôi cho là “giá trị”, ghi âm tất cả những lời hướng dẫn viên nói, tranh thủ tạo dáng mấy kiểu để có cái “khoe” với người ở nhà những nơi đã được đặt chân... Nhưng, tất cả những niềm vui, háo hức đó hóa ra chỉ là những cảm xúc tầm thường khi trái tim tôi bắt đầu đón nhận những cảm xúc mới, thật hơn tất cả những cảm xúc tôi đã từng trải qua: nỗi thương và nhớ Bác Hồ! Mảnh đất này đây, bạn ơi, Bác đã từng đứng, nói chuyện, học hành, suy tư về vận mệnh nước nhà, chiếc ghế dài này đây, chiếc bảng đen này đây, và kia bộ trường kỉ người thầy giáo trẻ đã bắt đầu những bài dạy. Khi nhận ra cái cảm xúc thật thiêng liêng ấy, tôi tưởng mình không còn là cô gái năng động, với cách nhìn sự việc cứng rắn, như thực tế thường có, bởi giờ đây, cổ họng tôi cứ hay bị nghẹn nghẹn, mắt tôi cứ chực rơi rớt những giọt lệ xót xót dưới vành mi...vậy là, tôi không dám khóc, vì sợ tiếng giả tạo, vì sợ không thực với lòng mình! Lúc đó, đứng trước ngôi nhà thiêng liêng đã chứng kiến một sự kiện lịch sử đau thương của dân tộc, trong lời kể chuyện thì thầm như nghẹn ngào của anh thuyết minh viên, tôi nhìn thấy rõ ràng bóng Bác ngồi im bên bàn viết giữa gian phòng lạnh vắng, tôi nghe thấy rõ ràng tiếng radô bật to hơn mức cần thiết đang phát một bài dân ca lay thức không gian cô quạnh... Vì sao ai đó không để yên cho Bác làm việc? Mở như thế sẽ ảnh hưởng đến việc Bác đang làm mất? Không đâu, ai ơi đừng tắt, Bác mở đấy, Bác không muốn ai tắt đâu, Bác cứ mở đều đều giọng dân ca vẳng ra từ chiếc máy phát khi màn đêm buông xuống quanh nơi Bác đang ngồi, quanh ngôi nhà to mà quạnh quẽ, Bác mở đấy, vì ...”Bác muốn nơi đây có tiếng người!”. Trước nhà 54, tôi cũng đã nhìn thấy rõ ràng, không phải vị Chủ tịch nước đáng kính, mà là một ông cụ đã già, đã đến lúc cần một tiếng bi bô gọi “ông” của trẻ thơ, đã đến lúc chiều chiều quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình...Vậy mà, ông cụ ngồi đó, áo bà ba nâu chòm râu trắng bạc, lặng lẽ gắp, lặng lẽ nuốt, lặng lẽ... ăn cơm một mình!...1 đôi đũa, 1 cái chén, một cái muỗng con, vì sao? Có ai để Bác cùng chia sẻ mâm cơm chiều, có ai? Bác không gia đình!... Bác Hồ ơi. Tiếng con nghẹn lại, không dám khóc. Nấc trong bàn tay mà sợ ai đó chê cười, con kính Bác vì thế giới và cả dân tộc kính Bác, con thờ Bác trong tim vì sự vĩ đại của Bác, nay, con thương Bác xót xa vì Bác của con, ừ thì, chỉ là người bình thường, Bác ơi Bác cũng vẫn là một ông già bình thường, không gia đình!... Phải chăng Bác không muốn được chia sẻ mâm cơm chiều, phải chăng vì mãi lo nghĩ việc nước việc nhà, Bác quên mất cái cảm giác được ăn cơm bên người thân? Phải chăng với những bậc vĩ đại thì một bữa ăn không đáng để bận lòng vì nỗi nhớ? Không, nếu thế, Bác đã không âm thầm vui rồi âm thầm xúc động khi các anh các chú chia đều thời gian riêng của mỗi người ra để sắp xếp ăn cơm chung với Bác, nếu thế thì mỗi bữa ăn có người bên cạnh ấy Bác đã không ăn thêm được nhiều hơn những bữa cơm lặng lẽ một mình. Bác của con ơi, con sinh ra ngày Bác đã xa, nhưng nay được tìm về bên dáng Bác, hai trái tim của hai thế hệ như không hề khoảng cách, Bác của con ơi, con biết nỗi nhớ gia đình trong Người còn mãnh liệt hơn bất kì ai khác, nhưng, sao đành nghĩ đến “sum họp gia đình” khi chữ S đất Việt còn bị chia đôi??? Ở những nơi đó tôi đã nhìn thấy, đã nghe thấy, đã khóc, không phải bằng đôi mắt và đôi tai, không phải bằng giọt nước mắt hay tiếng nấc nghẹn, mà chính bằng tiếng nói đã nằm sâu trong đáy lòng tự thuở nào nay mới chịu bật lên, tiếng nói cội nguồn, tiếng nói dân tộc, tiếng nói của trái tim biết yêu thương!
Sáng nay con về thăm nơi Bác
Nơi Bác nằm yên, tay không buông
Hàng tre trong thơ, kìa! Xanh ngắt…
Vội vã con đi, nước mắt tuôn!
Sáng nay con về thăm nơi Bác
Nơi Bác ngồi bên mâm cơm suông
Con thấy ông già, đâu Chủ tịch?
Lặng lẽ Người ơi, bóng một mình!
Sáng nay con về chân bước run
Ao cá còn đây, nước mông lung
Ồ! Dáng “bụt mọc” thơ Tố Hữu
Kia! Vườn xoài nở, trắng hoa buông
Sáng nay con về, giữa ngàn muôn
Như tình thơ cũ vẫn đọc luôn
Hút trong mắt nhỏ không gian lớn
Cảnh lạ, mà quen! Ngút yêu thương…
Sáng nay con về, xin khóc muộn
Kể chuyện Bác hay, hóa kể suông
Nay mắt trân nhìn, lòng con rõ:
Chuyện kể rằng hay, thực hóa buồn…
Sáng nay con về, nghe vấn vương
Thấy Người đứng đó, trời mưa tuôn…
Lom khom chống gậy, quần cao thấp
Chầm chậm Người ơi… kẻo ống buông!
Ao cá thì to, mưa cứ tuôn
Con sợ ô mỏng bé cỏn con
Bốn kẻ dâng cơm, Người đâu muốn
“Để mình Bác sang, nhọc chút thôi!”
Sáng nay con về, Bác đâu rồi?
Phải chăng nơi đó, Người đang ngồi
Việc nước luôn tay, dòng đang vội
Mà sao to thế, tiếng “ra- dô”?
“Ai đó tắt đài nhé, Bác ơi!
Bác viết xong rồi, còn nghỉ ngơi?”
Giật mình. Im ắng! Đừng, đừng tắt…
Cháu ạ, nơi đây… vắng tiếng người!
Sáng nay con khóc, thật, Bác ơi!
Thương lắm, cụ già trong giấc mơ
Nay đứng đây rồi, Người hiện hữu
Tiếng lòng con, mà tưởng tiếng thơ…
Biên Hòa, tháng 9 năm 2009
HẠ THI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét