Tôi thích nghe nhạc Trần Tiến, vì âm nhạc của ông là “cảm giác sống”. Cảm giác sống đó chuyển tải thành mạch cảm xúc bất tận, cứ tự nhiên tuôn tràn và bay lên khỏi những suy tư đời thực, khỏi những vướng bận bởi mục đích sáng tác để vút cao thành một giai điệu. Vì lẽ đó, nhạc của ông mang hơi thở thời đại, nhưng đậm chất dân tộc; mang một chút ngông nghệ sĩ, chút lãng du, nhưng không bừa bãi, cẩu thả mà vô cùng độc đáo và đầy tính nhân văn. Lần đầu nghe “Mưa bay tháp cổ”, tôi không hiểu mấy, thấy phong cách nhạc hơi lập dị mà nghe “chướng chướng”, không cảm nổi. Nhưng càng nghe càng thấm, đúng là những cảm nhận đã thăng hoa thành giai điệu. Quen mà lạ, lạ nhưng vẫn là chất Việt, tâm hồn Việt.
Sự trong trẻo, dung dị của âm nhạc Trần Tiến là xuất phát từ cái chân thực trong cảm xúc và sự am hiểu sắc thái âm nhạc dân tộc. Trong trẻo ở giai điệu tươi mát, trẻ trung. Dung dị ở ca từ, chất liệu âm nhạc. Nghe “Bình nguyên xa vắng”, tôi cảm nhận bức tranh bình nguyên xanh sống động, mượt mà. Đó chính là chất thực và bình dị mà độc đáo của cõi âm nhạc Trần Tiến. Giai điệu không chút gò bó, nhiều tiết nhịp được lặp đi lặp lại, là thể hiện chân thực nguồn cảm xúc đang chảy, chứ không phải là “nặn” ra, vẽ nên, hay cố gắng hoàn thành. “Gió núi hoang vu về, nước suối mênh mang tràn, hoa Quỳ trong nắng vàng. Lãng đãng sương giăng hồn, mái tóc hương đêm buồn. Quê nhà tôi thương nhớ…”. Vẫn với phong thái tự nhiên, nhẹ nhàng, ca từ tuôn ra như dòng suối nơi bình nguyên xanh trong kí ức tác giả; giai điệu êm ái, văng vẳng dịu dàng như vọng về từ sâu thẳm một miền kí ức nào đó, ngọt ngào, đẹp đẽ mà tha thiết xa vắng. Âm nhạc Trần Tiến dung dị, giản đơn không bởi vì ông thích sáng tác nên những ca khúc đơn giản, mà xuất phát chính từ quan niệm sống của chính tác giả, “âm nhạc là cuộc sống”, mà “sống là để yêu thương!”.
Một buổi chiều thênh thang gió và lòng đầy ắp những dư vị không ngọt ngào của 1 ngày ồn ào, tôi trốn vào một góc nhỏ ngồi bật máy lên, nghe “Trần Tiến kể chuyện”. Những câu chuyện trầm mặc mang hơi thở của cuộc đời…Chuyện một phố núi nghèo êm ả lãng đãng sương giăng, lãng đãng buồn. “…Thung lũng buồn, trong mờ sương, nhà tôi chênh vênh trên đèo mây. Phố núi nghèo, như bàn tay. Nhà bên kia vẫy nhà bên này…” Buồn mà không bi ai, buồn trôi đi, hiền hòa song hành với những cuộc đời nơi “Phố núi”. Buồn không thống thiết, buồn chỉ như một điều ngẫu nhiên trong đời, day dứt, man mác, vương vất… Ông kể tiếp câu chuyện “Chị tôi”, cũng cái nhịp nhàng, đều dặn trôi đi mà giai điệu hoà vào ca từ xâu chuỗi thành một câu chuyện dài cả đời người. Không một lần diễn tả nỗi buồn, vậy mà nó cứ nhân lên dần ở cái cách lặp đi lặp lại một giai điệu, nghe như kiểu người say cứ ê a hoài một điệp khúc, vậy mà mỗi lần ê a lại là một trang đời được lật sang, nhẹ nhàng mà nghe đau đáu … Và chuyện về một đêm chơi vơi, nhạc sĩ tự họa bằng cây đàn ghita và những miền kí ức xa xôi, chắp vá, với những mảng màu rời rạc… “…Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng. Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu. Một màu nâu nâu, một màu tím tím, màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng…” Lần này còn ngông hơn, câu chuyện thậm chí không có lời dẫn, không có nội dung tròn trịa; Tưởng như chỉ là tái hiện của những mảng kí ức không tên gọi, nhưng rồi ở cuối câu chuyện, lời lí giải cho tất cả những tùy hứng bên trên là một cái giật mình đầy trắc ẩn. “Một đêm nhớ, nhớ…nhớ ra: mình một mình! Một đêm nhớ, nhớ ra… mình đã ở đâu đây? Một đêm trong đêm thâu! Làm sao vẽ bóng tối? Làm sao vẽ cánh hoa đêm…không màu?...” Nếu như có đứa con tinh thần nào của Trần Tiến gói gọn đầy đủ nét nhạc của ông: sự ngẫu hứng từ đời thực, đưa dòng giai điệu ngân lên từ những câu chữ rất đỗi đời thường; sự giản đơn làm nên độc đáo; câu chữ giản dị mà đầy trắc ẩn… thì, đó chính là “Sắc màu”.
Nghe xong những câu chuyện Trần Tiến kể, tôi giật mình nhìn đâu cũng thấy giai điệu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét