22 thg 9, 2009

Nỗi buồn một người mẹ…

(Nhớ X với những gì tuyệt vời nhất!)

Hoàn thành xong ba năm học với chương trình rèn luyện khá dày và thiết thực, tôi và một số bạn cùng lớp phấn khởi chuẩn bị cho buổi nhận bằng tốt nghiệp bằng sự háo hức lẫn một niềm tự hào lâng lâng… Náo nức ra đi từ 7h sáng, mãi đến 4h chiều, tôi cầm tấm bằng “cử nhân sư phạm” bâng khuâng rời khỏi trường với những suy nghĩ miên man. Trong ấy, khá rõ là hình ảnh một người mẹ…

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, bà không ngần ngại bất cứ công việc nặng nhọc nào, miễn sao các con được đi học, được nên người. Bà quan niệm: “Không cần biết Đại học, Cao đẳng, hay Trung cấp, miễn là cố gắng có được 1 tấm bằng, 1 cái nghề, và làm sao cho thật giỏi cái chuyên môn của mình, vậy là có thể sống được!” Với mong muốn đó, bà lần lượt tiễn từng đứa con, đứa vào Đại học, đứa Trung cấp, đứa Cao đẳng… Con học chữ, mẹ lên rẫy mà từng bước dõi theo mỗi trang vở, mỗi thành tích của con. Con gái út của bà là 1 cô bạn cùng lớp với tôi, học ở mẹ tính cần cù chịu khó, đồng thời biết rằng chỉ có cái sự học mới đưa mình thoát khỏi cái nghèo cái khổ, 3 năm trọ học xứ người cô bạn của tôi đã dành hết thời gian tâm huyết cho việc học và công tác rèn luyện kĩ năng ngoài giờ học…

Kết thúc 3 năm, cô bạn tôi ra trường với tấm bằng tuy không xuất sắc nhưng thành quả tốt đẹp nhất là sự quý mến, tín nhiệm và lòng tin yêu của thầy cô, bạn bè. Tự hào với những điều con gái đã gặt hái được, ngày nhận bằng cử nhân của chúng tôi, bà đã bỏ 1 ngày ruộng rẫy để khăn gói theo con đi chuyến xe đò lên Biên Hòa. Nhận điện thoại chúc mừng của bà con xa gần, lòng bà lâng lâng nghĩ đến giây phút được tận mắt nhìn thấy con mặc áo cử nhân, nhận bằng tốt nghiệp!

Trường chúng tôi mỗi năm gần 1000 Sv tốt nghiệp, nhưng mấy ai được 1 niềm tự hào đẹp đẽ từ một bà mẹ vùng cao như thế? Với sự hân hoan trong lòng, bà còn dự định sẽ xin gặp riêng thầy Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm của con để nói lời cảm ơn chân thành…

Thế nhưng, vừa bước vào đến cửa hội trường lớn nơi con gái sẽ nhận bằng tốt nghiệp, 1 cánh tay không mấy nhẹ nhàng lôi tuột bà ra ngoài, cùng cái gầm gừ thô bạo.

Không một lời nói nhưng cử chỉ lạnh lùng của chú bảo vệ trường tôi bảo rằng: “Đây không có chỗ cho bà!” Tôi ngạc nhiên kêu vội vàng được mấy tiếng: “Chú ơi, Bác đó phụ huynh của…” chưa dứt câu cánh cửa đã đóng sầm lại một cách kiêu ngạo! Tôi thắc mắc không hiểu do sáng mùa hè oi bức hay hội trường đông người mà bỗng nghe mặt nóng bừng bừng. Bà mẹ nhìn tôi qua ô kính, bối rối xua tay cho lũ trẻ yên lòng vào ghế ngồi rồi lặng lẽ quay đi. Nhìn theo tôi thấy trong mắt bà có chút gì hụt hẫng, lòng bỗng trào lên nỗi xót xa…

Ba năm học với đầy nhiệt huyết, quyết tâm, ra trường với đầy lòng tự hào, lũ chúng tôi đang sẵn sàng tiếp bước thầy cô trên con đường đã chọn. Vậy mà ngày nhận bằng cử nhân sư phạm lại vương vấn chút nuối tiếc đến chạnh lòng.

“Bác không tủi thân vì bị đuổi ra ngoài ngồi gốc cây, cũng không trách trường không có chỗ cho những bà mẹ quê như bác, chỉ tiếc chưa được tận mắt nhìn thấy con bé đứng trên bục vinh dự. Và, cũng còn 1 chút nghĩ ngợi: môi trường sư phạm con bé học 3 năm… là đây sao?” Bà mẹ tâm sự.

Chúng tôi tiễn 2 mẹ con bà về lại với vùng quê nghèo Tân Phú cùng những lời chúc tốt lành. Nhìn bóng mẹ trùm lên bóng con mà đau đáu suy tư: Phải chăng, 2 chữ “Sư phạm” chỉ gói gọn trong cách cư xử giữa thầy và trò, giữa những “sinh viên sư phạm” với nhau, giữa những giáo viên trẻ chúng tôi với học trò của mình…?

Thế còn những nhân viên không được gọi là “thầy”, nhưng sống và phục vụ cho môi trường giáo dục, ăn lương của ngành giáo dục, thì 2 chữ “sư phạm” đi đâu rồi???

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tin văn hóa mới nhận