30 thg 9, 2009

Trung thu




Trung thu…

Anh đón em ở cổng kí túc xá. Anh mong ngóng, em vội vội vàng vàng thay bộ áo đẹp. Ba ngày đầu tiên của đời sinh viên đã bắt đầu trôi qua mà sao em nghe không hề bỡ ngỡ, bơ vơ. Chắc tại có anh đứng chờ! Anh chở em vào con đường ngoằn nghoèo lạ hoắc, con đường khu phố 13 với lớp lớp dãy dãy là những ngôi nhà cổng cao tường kín… Em ngây ngô nghĩ thầm: “Thành phố là đây…” Anh bảo với đôi mắt tròn xoe đang quan sát của em: “Khu phố anh ở, nhà anh bên kia…” Em nhìn theo rồi nghĩ xa xăm.

Anh nhìn em phụ gói những món quà, quan sát em cười, nựng nịu mấy đứa trẻ, rồi anh cũng cười, vu vơ. Em không biết. Còn lạ. Vậy mà lâu lâu ánh mắt em cũng đi rong kiếm tìm…

Anh bắt cô giáo dạy nhạc tương lai phải hát tặng các em thiếu nhi nơi nhà mở của anh. Em hát, vỗ tay, bày trò. Mắt em lấp lánh phản chiếu những ánh mắt ngây ngô, những nụ cười trong veo không tròn trịa vì khiếm khuyết của cơ thể, những lời khen ê a thốt ra chưa thành lời đầy đủ, những ước ao, khát khao non nớt… Em say sưa hát, lời hát vút lên khoảng trời đầy hoa mộng. Anh say sưa nhìn em, cười! Em tự tay trao từng chiếc đèn trung thu, nâng niu như trao gửi từng niềm tin yêu, hy vọng… Anh lại cười!

Anh chở em đi dài trên sông Đồng Nai, cầu Ghềnh ngày ấy chưa muôn màu, sao vẫn đẹp lung linh. Anh kể hết những chuyện ngày xưa và ngày nay, kể muôn vàn điều chẳng liên quan đến em gì cả, mà sao vẫn chăm chú lắng nghe, chăm chú nhìn… Anh có đôi mắt thật lạ, ẩn chứa, biết nói.

Đêm trung thu đầu tiên thời sinh viên, đêm trung thu đầu tiên xa nhà, đêm trung thu đầu tiên, em có anh!
****

Trung thu….

Anh đón em ở cổng kí túc xá.

Em lại cùng anh tất bật chuẩn bị những món quà, chuẩn bị ghế bàn, âm thanh ánh sáng… Em lại múa hát, những ca khúc thiếu nhi trong trẻo cứ vang lên… “gọi ánh trăng lên vui đêm trung thu…”, “chị Hằng sáng trong, lung linh giữa đêm rằm…”. Giọng ca em buồn chỉ hát toàn nhạc Trịnh, sao cứ đến mùa trung thu là lại trở nên trong vắt, xanh ngát lạ lùng. Không biết tự bao giờ, em đã trở thành “ca sĩ” bất đắc dĩ kiêm luôn “bầu sô”, nhưng ừ thì…chỉ để phục vụ “cây nhà lá vườn” cho bà con phố phường nơi anh mà thôi! Ừ, em sẽ làm, vẫn làm…tất cả, riêng anh!
***

Trung thu…

Em lại chuẩn bị những món quà nho nhỏ, giọng bắt đầu lại vút lên những ca từ dễ thương cho đêm trăng tuổi thơ…Nhưng nghe hình như tiếng hát đang lạc lõng, chơi vơi. Cũng quà bánh, cũng trẻ thơ với đầy ắp tiếng cười, ánh nến lung linh… Mắt em kiếm tìm, giật mình đau khi chạm phải một không gian lạ lẫm. Không gian không có anh! Anh đã thôi không còn đứng đón em nơi cổng kí túc xá.

Gió sông Đồng Nai đêm nay thật lạ, cứ mênh mông trôi vào vô tận! Đâu là bến dừng?…
***

Lại một mùa trung thu nữa đang về…

Em trở lại dòng sông Đồng Nai, thả trôi hết những suy tư. Thấy mặt nước mông lung, xa lắc…dòng sông của ngày nào anh kể chuyện đêm trăng. Dòng dông ngày nào đã cất giữ tiếng thì thầm: “Em yêu ạ, gió chiều nay thổi chậm. Anh vội vàng đón đôi lá vàng rơi…” Thả trôi hết, chỉ giữ lại 1 ngọn nến mong manh trong lòng. Mong manh, nhưng không bao giờ tắt…
Cầu Ghềnh đêm nay đã lung linh muôn màu…

Hoa Hạ

12h10p, 28/09/09

29 thg 9, 2009

Nghe Trần Tiến kể chuyện


Tôi thích nghe nhạc Trần Tiến, vì âm nhạc của ông là “cảm giác sống”. Cảm giác sống đó chuyển tải thành mạch cảm xúc bất tận, cứ tự nhiên tuôn tràn và bay lên khỏi những suy tư đời thực, khỏi những vướng bận bởi mục đích sáng tác để vút cao thành một giai điệu. Vì lẽ đó, nhạc của ông mang hơi thở thời đại, nhưng đậm chất dân tộc; mang một chút ngông nghệ sĩ, chút lãng du, nhưng không bừa bãi, cẩu thả mà vô cùng độc đáo và đầy tính nhân văn. Lần đầu nghe “Mưa bay tháp cổ”, tôi không hiểu mấy, thấy phong cách nhạc hơi lập dị mà nghe “chướng chướng”, không cảm nổi. Nhưng càng nghe càng thấm, đúng là những cảm nhận đã thăng hoa thành giai điệu. Quen mà lạ, lạ nhưng vẫn là chất Việt, tâm hồn Việt.
Sự trong trẻo, dung dị của âm nhạc Trần Tiến là xuất phát từ cái chân thực trong cảm xúc và sự am hiểu sắc thái âm nhạc dân tộc. Trong trẻo ở giai điệu tươi mát, trẻ trung. Dung dị ở ca từ, chất liệu âm nhạc. Nghe “Bình nguyên xa vắng”, tôi cảm nhận bức tranh bình nguyên xanh sống động, mượt mà. Đó chính là chất thực và bình dị mà độc đáo của cõi âm nhạc Trần Tiến. Giai điệu không chút gò bó, nhiều tiết nhịp được lặp đi lặp lại, là thể hiện chân thực nguồn cảm xúc đang chảy, chứ không phải là “nặn” ra, vẽ nên, hay cố gắng hoàn thành. “Gió núi hoang vu về, nước suối mênh mang tràn, hoa Quỳ trong nắng vàng. Lãng đãng sương giăng hồn, mái tóc hương đêm buồn. Quê nhà tôi thương nhớ…”. Vẫn với phong thái tự nhiên, nhẹ nhàng, ca từ tuôn ra như dòng suối nơi bình nguyên xanh trong kí ức tác giả; giai điệu êm ái, văng vẳng dịu dàng như vọng về từ sâu thẳm một miền kí ức nào đó, ngọt ngào, đẹp đẽ mà tha thiết xa vắng. Âm nhạc Trần Tiến dung dị, giản đơn không bởi vì ông thích sáng tác nên những ca khúc đơn giản, mà xuất phát chính từ quan niệm sống của chính tác giả, “âm nhạc là cuộc sống”, mà “sống là để yêu thương!”.
Một buổi chiều thênh thang gió và lòng đầy ắp những dư vị không ngọt ngào của 1 ngày ồn ào, tôi trốn vào một góc nhỏ ngồi bật máy lên, nghe “Trần Tiến kể chuyện”. Những câu chuyện trầm mặc mang hơi thở của cuộc đời…Chuyện một phố núi nghèo êm ả lãng đãng sương giăng, lãng đãng buồn. “…Thung lũng buồn, trong mờ sương, nhà tôi chênh vênh trên đèo mây. Phố núi nghèo, như bàn tay. Nhà bên kia vẫy nhà bên này…” Buồn mà không bi ai, buồn trôi đi, hiền hòa song hành với những cuộc đời nơi “Phố núi”. Buồn không thống thiết, buồn chỉ như một điều ngẫu nhiên trong đời, day dứt, man mác, vương vất… Ông kể tiếp câu chuyện “Chị tôi”, cũng cái nhịp nhàng, đều dặn trôi đi mà giai điệu hoà vào ca từ xâu chuỗi thành một câu chuyện dài cả đời người. Không một lần diễn tả nỗi buồn, vậy mà nó cứ nhân lên dần ở cái cách lặp đi lặp lại một giai điệu, nghe như kiểu người say cứ ê a hoài một điệp khúc, vậy mà mỗi lần ê a lại là một trang đời được lật sang, nhẹ nhàng mà nghe đau đáu … Và chuyện về một đêm chơi vơi, nhạc sĩ tự họa bằng cây đàn ghita và những miền kí ức xa xôi, chắp vá, với những mảng màu rời rạc… “…Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng. Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu. Một màu nâu nâu, một màu tím tím, màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng…” Lần này còn ngông hơn, câu chuyện thậm chí không có lời dẫn, không có nội dung tròn trịa; Tưởng như chỉ là tái hiện của những mảng kí ức không tên gọi, nhưng rồi ở cuối câu chuyện, lời lí giải cho tất cả những tùy hứng bên trên là một cái giật mình đầy trắc ẩn. “Một đêm nhớ, nhớ…nhớ ra: mình một mình! Một đêm nhớ, nhớ ra… mình đã ở đâu đây? Một đêm trong đêm thâu! Làm sao vẽ bóng tối? Làm sao vẽ cánh hoa đêm…không màu?...” Nếu như có đứa con tinh thần nào của Trần Tiến gói gọn đầy đủ nét nhạc của ông: sự ngẫu hứng từ đời thực, đưa dòng giai điệu ngân lên từ những câu chữ rất đỗi đời thường; sự giản đơn làm nên độc đáo; câu chữ giản dị mà đầy trắc ẩn… thì, đó chính là “Sắc màu”.
Nghe xong những câu chuyện Trần Tiến kể, tôi giật mình nhìn đâu cũng thấy giai điệu!

28 thg 9, 2009

Văn hoá xe buýt

Từ lâu xe buýt đã là một phương tiện lưu thông quen thuộc, dễ đi vì phí thấp. Càng ngày ra đường chúng ta càng nhìn thấy nhiều hơn những chiếc xe màu xanh lá cây, màu đặc trưng của “họ nhà buýt” cùng những con số tuyến. Tiện lợi, dễ đón, dễ đi, nhưng tính ra cũng lắm nhiêu khê, vì phải có trạm dừng hợp lí và đầy đủ, phải canh làm sao chạy cho đúng giờ tuyến quy định, kiểm soát bằng vé… Những điều này thì đã được bàn khá nhiều, hôm nay tôi chỉ đề cập đến vài hệ quả không đáng có của những nhiêu khê trên.

Hôm đó trời nóng gay gắt, nắng hè cao điểm! Phụ nữ ra đường giờ này thì phải “bao bọc” khá cẩn thận, hầu như chỉ còn nhìn thấy…đôi mắt. Bữa đó, tôi có việc gấp phải về Gia Kiệm, mà không tìm đâu ra xe máy. Thế là bắt xe buýt. Lên xe khoảng 10p thì thấy bên đường, một cô gái trẻ khá yểu điệu, dáng người cao ráo với đôi cao gót thanh mãnh, nhưng cũng không tránh khỏi ngoại lệ “kín toàn thân”! Giơ tay bắt xe, trông cô thật đáng yêu dù chỉ nhìn thấy đôi mắt.

Cái khổ là ở đây không có trạm dừng. Tài xế khắc phục bằng cách tấp thật lẹ vào lề với tốc độ ớn lạnh, chiếc xe uốn mình cái vèo tấp sát vào cô gái, bánh chưa dừng đã dượm tăng tốc tiếp cùng câu cửa miệng eo éo của anh lơ trong chiếc áo xanh đồng phục: “Lẹ lẹ em ơi, trời ơi leo lên…Nhanh!

” Chắc nghĩ lời nói chưa đủ tác dụng nên anh lơ chìa luôn cánh tay lực lưỡng, 1 đằng tóm lấy cái giỏ xách xinh xắn sạch sẽ, đằng kia kéo mạnh khổ chủ của nó đẩy vào trong xe. Tôi lập tức liên tưởng đến việc tóm gọn một chú cá đang còn quẫy đuôi nhét vào trong chiếc hộp và đậy nắp lại. Tội nghiệp cô gái, luống cuống với đôi giày cao gót, bước lên thì ngại tốc độ xe và sợ đạp nhầm bàn chân anh lơ to tổ chảng đang áng ngữ hết hai phần ba bậc leo của xe buýt; nhưng chần chừ thì lại sợ bàn tay thô bạo của anh lơ kéo mạnh, nhắm mắt “bang đại”, cô chui tọt vào xe bằng cách luồn qua không gian hẹp bên dưới cánh tay (có lẽ đầy “hương”) của anh lơ(!) Ngay lập tức cửa xe đóng lại. Chiếc buýt chồng chành nhồi tới nhồi lui, cô gái giơ tay tóm vội cái gì đó khả dĩ có thể bám được, khổ nỗi lại vớ ngay cánh tay một “anh chàng”, ngước lên nhìn, cô thấy “anh chàng”…đáng tuổi bố đang ho khằng khặc(!!!) Quá bức xúc, mặt đỏ gay (tôi tưởng tượng vì chỉ nhìn thấy ánh mắt “hình viên đạn”) cô lột phăng chiếc khẩu trang thở hào hển, lắp bắp: “Cái anh này, cũng phải để xe dừng tui mới leo lên được…” “…dừng cái gì em ơi hổng có trạm phải chạy cho lẹ chứ!”.

Cô gái toan hả mồm cãi tiếp thì phải ngậm lại ngay vì ba bảy hai mốt thứ mùi đang xộc lên. Xe chật kín, không còn chỗ bám tay chứ đừng nghĩ đến chuyện đặt mông. Chưa đứng yên nổi trên hai bàn chân của chính mình thì một cô áo xanh đồng phục lại lù lù đi tới, chìa ra một xấp vé dày cộm chuẩn bị xé: “Tới đâu?” “Nàng” hỏi cộc lốc, cô gái lí nhí: “Dốc mơ”.

Rồi cô không biết cách gì lấy tiền mua vé! Một tay xách giỏ, một tay bám chặt vào “anh chàng” đáng tuổi bố để chống lại cơn nhồi của chiếc buýt đang lách vèo vèo vì tay lái lụa của bác tài. Cuối cùng, dưới sự đốc thúc bằng ánh mắt kém kiên nhẫn của “nàng” thu vé, cô gái tựa hẳn vào người đàn ông, nhăn mặt nín thở để mở giỏ lấy tiền. Mồ hôi nhễ nhại, bộ đồ đi nắng kín mít bao tay bao chân, nhìn cô …tơi tả, hết “đáng yêu” như lúc còn đứng bên lề đường bắt xe.

Tôi đứng lên định nhường ghế cho cô ngồi thở một chút, nhưng ngay lập tức cô nở lại nụ cười rất tươi và bảo: “Thôi chị ngồi đi, chị lên trước mà…”. Ừ nhỉ, người lên sau không nên dành chỗ ngồi với người lên trước, người trẻ phải người chỗ cho người già, ai ho phải che miệng quay mặt chỗ khác, nói chuyện nhỏ nhẹ, văn minh, xe đón khách phải dừng hẳn lại…

Đó mới là văn hóa xe buýt chứ? Chắc chiếc xe này còn trẻ người non dạ chưa được học bài vỡ lòng trước khi ra đời hành nghề “buýt chuyên nghiệp”!!!

25 thg 9, 2009

Bỗng nhiên…

(Nhớ cậu Anh Liệt!)


Bỗng nhiên hôm ấy không nhiều nắng
Chỉ đủ hong vàng một nhớ thương
Em qua, áo lụa nghiêng chiều vắng
Để buồn ngơ ngẩn cả hoàng hôn…
AL

24 thg 9, 2009

Lòng em


Càng nhớ anh, lòng càng đầy hận
Trách anh rồi, em giận lòng em!
Đã cùng đi khắp nhân gian
Nay còn một đoạn gian nan…vội từ?

Dép ơi…

Người về bên ấy vui không?
Riêng em 1 dãy mênh mông ngân hà
“Dép” đi tìm chiếc guốc ngà
Sánh đôi, khập khiễng. Dép là dép thôi…
Guốc là đồ kiểng, để chơi
Gót dài nhọn hoắc, mang rồi… đau chân!
Chân kia mi đã quen bùn
Sao còn chia rẽ dép cùn 1 đôi???

Khuya


Chuông gió reo…
Lại nhắn gửi thầm thì?
Giật mình tỉnh giấc
Một nỗi đau âm ỉ
Có người đến
Cửa khép hờ
Bước vào, trống tênh hênh
Người đi mau chớ tiếc
Nhà có chủ!
Chủ chưa về?
Ừ, cứ để chênh vênh.
Ai biết.
Người khóc ư? Đi mau chớ tiếc
Đêm đã về, người cần chốn dừng chân!
Phía trước có ánh đèn
Đi mau, đang gần…
Mặc kệ nó, cơn say
Chỉ là ảo ảnh lâng lâng
Ngày mai tỉnh giấc!

Chuông gió reo…
Người đi rồi
Chủ nhà vẫn chưa về
Về chi vội?
Cửa cứ vẫn khép hờ
Đón trăng, đón gió, đón thơ…
Đợi.


Đùa

Em ghẹo thiên hạ cười
Em treo tình đôi mươi
Em đùa thơ với khách
Rồi khách khóc, em cười!

“Khách ơi, khách dở người
Hoa lạ, chỉ để vui
Cành mang đầy gai góc”…
…Đêm em khóc, ai cười?!

Nhắn

Anh ngủ ngon đi, đừng bước lạc
Tưởng tượng hình em: bóng trăng mờ
Toả hết đêm rằm… vầng sáng bạc
Bận lòng chi nữa, hỡi khách thơ?

4h

Em treo lơ lửng đoá tình
Khách đưa tay với, giật mình…khách đau!
Đoá tình em đã treo lâu
Phơi khô, để ngắm. Chớ sầu khách ơi!

23 thg 9, 2009

Lòng tôi với đất Nghệ An

A, đây rồi… xứ Nghệ thương yêu!
Đặt chân lên mảnh đất Nghệ An, nhớ thương người con trai Nghi Lộc
A, đây rồi…xứ Nghệ thương yêu!
Quá đỗi thương yêu, dù chưa biết mặt bao giờ.

Không biết khi anh sinh ra, đất Nghệ thế nào
Không biết khi em sinh ra, xứ Nghệ ra sao
Nhưng từ khi hai kẻ lạ gặp nhau
Trong tim em, đứa con gái Miền Nam, đã in hình xứ Nghệ!...

Theo chân Bác về nơi sinh ra Bác
Thấy “yêu từng ngọn cỏ mỗi nhành cây”
Con cháu Bác, con của mảnh đất này
Tấm lòng đẹp vì chứa hồn dân tộc
Chí khí cao bởi con cháu Bác Hồ!...

Cám ơn anh, người con trai xứ Nghệ
Đã cho em biết mật ngọt ái ân
Đã cho em thấm đắng cay muôn tầng…

Cám ơn anh, cùng lời tạ lỗi chân thành
Vì ước hẹn đã không tròn như mộng
Đành vậy, chúc: người con trai Nghi Lộc
Đủ khôn ngoan để sống ở đất người
Đủ kiên định để ngày mai vươn tới
Đỉnh cao!
Đủ khát vọng để thành toàn những lí tưởng lớn lao
…và, sau tất cả.
Người ơi xin chừa em một ít
Một ít suy tư, lúc chạnh lòng!

Vẫn đợi ngày về gửi tâm hồn
Ngày đó xứ Nghệ, em làm con
Ngày đó quê Bác, quê “choa”, em xin gọi quê hương
Ngày đó bao giờ… còn kịp chăng?

Tặng một người

Bước chân đến xứ Nghệ An
Trông người Nghi Lộc vô vàn nhớ nhung!
Nhớ nhung thì mặc nhớ nhung
Nhưng vì…nhớ quá, nên dùng… “truyền thông”
Dù biết người chẳng hài lòng
Ta đây mặc kệ, như không hiểu người
Hiểu nhiều, cũng chẳng thể nguôi…
Mình ta nuốt đắng, ngậm ngùi bấy lâu!

Cảnh đẹp chẳng giải được sầu
Đàn ông cả khối, tưởng đâu … không người

Gọi

Anh gọi em “bà xã”
Mà mắt dõi theo ai?
Anh ơi, thà “đồng nghiệp”
Đỡ vu vơ đêm dài!

Quà…

Sinh nhật “sếp lớn”, quà không có
Chỉ để dành một chút vấn vương
Gói vào vị biển, tóc hương
Gom thêm chút gió, chút buồn…tặng anh!

Lễ!

Cái lễ trao bằng thiệt là vui!
Đứa ngồi, đứa đứng, đứa lui chui
Thầy trò lẫn lộn, thi nhau hét
Cái “lễ” trao bằng, thiệt là vui…

Xúc cảm

Có chiến công nào hoá đất thiêng
Thảm máu phủ lên “đánh chủ quyền”
Thành Cổ, ngàn năm khi nào cổ?
Xương tan, muôn thuở dễ đâu tan!

22 thg 9, 2009

Nỗi buồn một người mẹ…

(Nhớ X với những gì tuyệt vời nhất!)

Hoàn thành xong ba năm học với chương trình rèn luyện khá dày và thiết thực, tôi và một số bạn cùng lớp phấn khởi chuẩn bị cho buổi nhận bằng tốt nghiệp bằng sự háo hức lẫn một niềm tự hào lâng lâng… Náo nức ra đi từ 7h sáng, mãi đến 4h chiều, tôi cầm tấm bằng “cử nhân sư phạm” bâng khuâng rời khỏi trường với những suy nghĩ miên man. Trong ấy, khá rõ là hình ảnh một người mẹ…

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, bà không ngần ngại bất cứ công việc nặng nhọc nào, miễn sao các con được đi học, được nên người. Bà quan niệm: “Không cần biết Đại học, Cao đẳng, hay Trung cấp, miễn là cố gắng có được 1 tấm bằng, 1 cái nghề, và làm sao cho thật giỏi cái chuyên môn của mình, vậy là có thể sống được!” Với mong muốn đó, bà lần lượt tiễn từng đứa con, đứa vào Đại học, đứa Trung cấp, đứa Cao đẳng… Con học chữ, mẹ lên rẫy mà từng bước dõi theo mỗi trang vở, mỗi thành tích của con. Con gái út của bà là 1 cô bạn cùng lớp với tôi, học ở mẹ tính cần cù chịu khó, đồng thời biết rằng chỉ có cái sự học mới đưa mình thoát khỏi cái nghèo cái khổ, 3 năm trọ học xứ người cô bạn của tôi đã dành hết thời gian tâm huyết cho việc học và công tác rèn luyện kĩ năng ngoài giờ học…

Kết thúc 3 năm, cô bạn tôi ra trường với tấm bằng tuy không xuất sắc nhưng thành quả tốt đẹp nhất là sự quý mến, tín nhiệm và lòng tin yêu của thầy cô, bạn bè. Tự hào với những điều con gái đã gặt hái được, ngày nhận bằng cử nhân của chúng tôi, bà đã bỏ 1 ngày ruộng rẫy để khăn gói theo con đi chuyến xe đò lên Biên Hòa. Nhận điện thoại chúc mừng của bà con xa gần, lòng bà lâng lâng nghĩ đến giây phút được tận mắt nhìn thấy con mặc áo cử nhân, nhận bằng tốt nghiệp!

Trường chúng tôi mỗi năm gần 1000 Sv tốt nghiệp, nhưng mấy ai được 1 niềm tự hào đẹp đẽ từ một bà mẹ vùng cao như thế? Với sự hân hoan trong lòng, bà còn dự định sẽ xin gặp riêng thầy Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm của con để nói lời cảm ơn chân thành…

Thế nhưng, vừa bước vào đến cửa hội trường lớn nơi con gái sẽ nhận bằng tốt nghiệp, 1 cánh tay không mấy nhẹ nhàng lôi tuột bà ra ngoài, cùng cái gầm gừ thô bạo.

Không một lời nói nhưng cử chỉ lạnh lùng của chú bảo vệ trường tôi bảo rằng: “Đây không có chỗ cho bà!” Tôi ngạc nhiên kêu vội vàng được mấy tiếng: “Chú ơi, Bác đó phụ huynh của…” chưa dứt câu cánh cửa đã đóng sầm lại một cách kiêu ngạo! Tôi thắc mắc không hiểu do sáng mùa hè oi bức hay hội trường đông người mà bỗng nghe mặt nóng bừng bừng. Bà mẹ nhìn tôi qua ô kính, bối rối xua tay cho lũ trẻ yên lòng vào ghế ngồi rồi lặng lẽ quay đi. Nhìn theo tôi thấy trong mắt bà có chút gì hụt hẫng, lòng bỗng trào lên nỗi xót xa…

Ba năm học với đầy nhiệt huyết, quyết tâm, ra trường với đầy lòng tự hào, lũ chúng tôi đang sẵn sàng tiếp bước thầy cô trên con đường đã chọn. Vậy mà ngày nhận bằng cử nhân sư phạm lại vương vấn chút nuối tiếc đến chạnh lòng.

“Bác không tủi thân vì bị đuổi ra ngoài ngồi gốc cây, cũng không trách trường không có chỗ cho những bà mẹ quê như bác, chỉ tiếc chưa được tận mắt nhìn thấy con bé đứng trên bục vinh dự. Và, cũng còn 1 chút nghĩ ngợi: môi trường sư phạm con bé học 3 năm… là đây sao?” Bà mẹ tâm sự.

Chúng tôi tiễn 2 mẹ con bà về lại với vùng quê nghèo Tân Phú cùng những lời chúc tốt lành. Nhìn bóng mẹ trùm lên bóng con mà đau đáu suy tư: Phải chăng, 2 chữ “Sư phạm” chỉ gói gọn trong cách cư xử giữa thầy và trò, giữa những “sinh viên sư phạm” với nhau, giữa những giáo viên trẻ chúng tôi với học trò của mình…?

Thế còn những nhân viên không được gọi là “thầy”, nhưng sống và phục vụ cho môi trường giáo dục, ăn lương của ngành giáo dục, thì 2 chữ “sư phạm” đi đâu rồi???

Nỗi lòng người mẹ...

Hoàn thành ba năm học với chương trình rèn luyện khá dày và thiết thực, tôi và bạn bè cùng lớp chuẩn bị cho buổi nhận bằng tốt nghiệp với sự háo hức pha lẫn niềm tự hào lâng lâng... Nhưng một chuyện nhỏ bên lề lễ trao bằng tốt nghiệp khiến tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ: Chuyện liên quan đến mẹ của một người bạn.

Sống ở một xã vùng sâu, vùng xa, mẹ của bạn tôi không ngần ngại bất cứ công việc nặng nhọc nào, miễn sao các con được đi học, được nên người. Không phụ lòng mẹ, các con của bà lần lượt vào trung cấp, cao đẳng, đại học.

Con học chữ, mẹ lên rẫy mà từng bước bà vẫn dõi theo trang vở, thành tích của con. Con gái út của bà, là bạn cùng lớp với tôi, học ở mẹ tính cần cù chịu khó, đồng thời biết rằng chỉ có học mới đưa mình thoát khỏi nghèo khổ. 3 năm trọ học ở xa, cô bạn của tôi đã dành thời gian cho việc học, cũng như rèn luyện kỹ năng ngoài giờ học...

Kết thúc 3 năm, cô bạn tôi ra trường với tấm bằng tuy không xuất sắc nhưng thành quả tốt đẹp nhất chính là sự quý mến, tín nhiệm và lòng tin yêu của thầy cô, bạn bè. Tự hào với những điều con gái gặt hái được, ngày nhận bằng cử nhân của chúng tôi, bà đã bỏ ngày làm rẫy để khăn gói lên thành phố. Nhận điện thoại chúc mừng của bà con xa gần, lòng bà lâng lâng nghĩ đến giây phút được tận mắt nhìn thấy con mặc áo cử nhân, nhận bằng tốt nghiệp! Trường chúng tôi mỗi năm có gần 1.000 sinh viên tốt nghiệp, nhưng mấy ai được một niềm tự hào đẹp đẽ từ một bà mẹ vùng cao như thế? Với sự hân hoan trong lòng, bà còn dự định sẽ xin gặp riêng thầy hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm của con để nói lời cảm ơn chân thành...

Thế nhưng, vừa bước vào đến cửa hội trường lớn, nơi con gái của bà lát nữa sẽ nhận bằng tốt nghiệp, một cánh tay không mấy nhẹ nhàng đã bất ngờ lôi tuột bà ra ngoài, cùng tiếng gầm gừ khó chịu. Không một lời nói, nhưng cử chỉ lạnh lùng của người bảo vệ của trường tôi như bảo rằng: "Đây không có chỗ cho bà!". Tôi ngạc nhiên vội thốt lên mấy tiếng: "Chú ơi, bác đó là phụ huynh của... ". Nhưng chưa dứt câu, cánh cửa hội trường đã đóng sầm lại!

Bà nhìn chúng tôi qua ô cửa kính, xua tay cho lũ trẻ yên lòng vào ghế ngồi, rồi lặng lẽ quay đi. Nhìn theo, tôi thấy trong mắt bà như có chút gì hụt hẫng. Trong lòng tôi trào lên nỗi xót xa...

"Bác không tủi thân vì bị đuổi ra ngồi ngoài gốc cây, cũng không trách trường không có chỗ cho những bà mẹ quê như bác, chỉ tiếc chưa được tận mắt nhìn thấy con bé đứng trên bục vinh dự nhận bằng. Và, cũng còn một chút nghĩ ngợi, băn khoăn: môi trường con bé học 3 năm là vậy sao?" - sau buổi lễ, mẹ của bạn tôi nói thế.

Hoa Hạ

Bài đã đăng trên báo Đồng Nai ngày 22-9-2009.
http://www.baodongnai.com.vn/default.aspx?tabid=586&idmid=1&ItemID=44911

21 thg 9, 2009

Con về thăm Bác

Tôi kể chuyện Bác Hồ, thuyết trình về “Những lời Bác dạy Thanh niên”, đạt được những giải thưởng coi như đáng kể, tưởng đã gọi là “có chút kiến thức”, đã hiểu, đã cảm, đã thương Bác, kính Bác thật tấm lòng, đâu ngờ những cảm xúc đó xem ra còn rất hời hợt, sách vở khi giờ đây so sánh với những gì đang tràn ngập trong lòng tôi, sau chuyến xuyên Việt “Theo chân Bác” vừa qua. Cái cảm giác đầu tiên là tận hưởng niềm vui của sự may mắn đem lại, may mắn vì được một chuyến đi giá trị mà ít người có được, may mắn vì chuyến học tập mà cũng là “du lịch” về những miền đất nước thương yêu mà tôi chưa từng đặt chân, may mắn vì tôi đang cần một chuyến đi... Khi đến điểm đầu tiên, niềm vui đó trở thành sự háo hức phập phồng trong lồng ngực như muốn bung ra ngoài, tôi say mê với chiếc máy ảnh, bấm tất cả những góc độ mà tôi cho là “giá trị”, ghi âm tất cả những lời hướng dẫn viên nói, tranh thủ tạo dáng mấy kiểu để có cái “khoe” với người ở nhà những nơi đã được đặt chân... Nhưng, tất cả những niềm vui, háo hức đó hóa ra chỉ là những cảm xúc tầm thường khi trái tim tôi bắt đầu đón nhận những cảm xúc mới, thật hơn tất cả những cảm xúc tôi đã từng trải qua: nỗi thương và nhớ Bác Hồ! Mảnh đất này đây, bạn ơi, Bác đã từng đứng, nói chuyện, học hành, suy tư về vận mệnh nước nhà, chiếc ghế dài này đây, chiếc bảng đen này đây, và kia bộ trường kỉ người thầy giáo trẻ đã bắt đầu những bài dạy. Khi nhận ra cái cảm xúc thật thiêng liêng ấy, tôi tưởng mình không còn là cô gái năng động, với cách nhìn sự việc cứng rắn, như thực tế thường có, bởi giờ đây, cổ họng tôi cứ hay bị nghẹn nghẹn, mắt tôi cứ chực rơi rớt những giọt lệ xót xót dưới vành mi...vậy là, tôi không dám khóc, vì sợ tiếng giả tạo, vì sợ không thực với lòng mình! Lúc đó, đứng trước ngôi nhà thiêng liêng đã chứng kiến một sự kiện lịch sử đau thương của dân tộc, trong lời kể chuyện thì thầm như nghẹn ngào của anh thuyết minh viên, tôi nhìn thấy rõ ràng bóng Bác ngồi im bên bàn viết giữa gian phòng lạnh vắng, tôi nghe thấy rõ ràng tiếng radô bật to hơn mức cần thiết đang phát một bài dân ca lay thức không gian cô quạnh... Vì sao ai đó không để yên cho Bác làm việc? Mở như thế sẽ ảnh hưởng đến việc Bác đang làm mất? Không đâu, ai ơi đừng tắt, Bác mở đấy, Bác không muốn ai tắt đâu, Bác cứ mở đều đều giọng dân ca vẳng ra từ chiếc máy phát khi màn đêm buông xuống quanh nơi Bác đang ngồi, quanh ngôi nhà to mà quạnh quẽ, Bác mở đấy, vì ...”Bác muốn nơi đây có tiếng người!”. Trước nhà 54, tôi cũng đã nhìn thấy rõ ràng, không phải vị Chủ tịch nước đáng kính, mà là một ông cụ đã già, đã đến lúc cần một tiếng bi bô gọi “ông” của trẻ thơ, đã đến lúc chiều chiều quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình...Vậy mà, ông cụ ngồi đó, áo bà ba nâu chòm râu trắng bạc, lặng lẽ gắp, lặng lẽ nuốt, lặng lẽ... ăn cơm một mình!...1 đôi đũa, 1 cái chén, một cái muỗng con, vì sao? Có ai để Bác cùng chia sẻ mâm cơm chiều, có ai? Bác không gia đình!... Bác Hồ ơi. Tiếng con nghẹn lại, không dám khóc. Nấc trong bàn tay mà sợ ai đó chê cười, con kính Bác vì thế giới và cả dân tộc kính Bác, con thờ Bác trong tim vì sự vĩ đại của Bác, nay, con thương Bác xót xa vì Bác của con, ừ thì, chỉ là người bình thường, Bác ơi Bác cũng vẫn là một ông già bình thường, không gia đình!... Phải chăng Bác không muốn được chia sẻ mâm cơm chiều, phải chăng vì mãi lo nghĩ việc nước việc nhà, Bác quên mất cái cảm giác được ăn cơm bên người thân? Phải chăng với những bậc vĩ đại thì một bữa ăn không đáng để bận lòng vì nỗi nhớ? Không, nếu thế, Bác đã không âm thầm vui rồi âm thầm xúc động khi các anh các chú chia đều thời gian riêng của mỗi người ra để sắp xếp ăn cơm chung với Bác, nếu thế thì mỗi bữa ăn có người bên cạnh ấy Bác đã không ăn thêm được nhiều hơn những bữa cơm lặng lẽ một mình. Bác của con ơi, con sinh ra ngày Bác đã xa, nhưng nay được tìm về bên dáng Bác, hai trái tim của hai thế hệ như không hề khoảng cách, Bác của con ơi, con biết nỗi nhớ gia đình trong Người còn mãnh liệt hơn bất kì ai khác, nhưng, sao đành nghĩ đến “sum họp gia đình” khi chữ S đất Việt còn bị chia đôi??? Ở những nơi đó tôi đã nhìn thấy, đã nghe thấy, đã khóc, không phải bằng đôi mắt và đôi tai, không phải bằng giọt nước mắt hay tiếng nấc nghẹn, mà chính bằng tiếng nói đã nằm sâu trong đáy lòng tự thuở nào nay mới chịu bật lên, tiếng nói cội nguồn, tiếng nói dân tộc, tiếng nói của trái tim biết yêu thương!

Sáng nay con về thăm nơi Bác
Nơi Bác nằm yên, tay không buông
Hàng tre trong thơ, kìa! Xanh ngắt…
Vội vã con đi, nước mắt tuôn!

Sáng nay con về thăm nơi Bác
Nơi Bác ngồi bên mâm cơm suông
Con thấy ông già, đâu Chủ tịch?
Lặng lẽ Người ơi, bóng một mình!

Sáng nay con về chân bước run
Ao cá còn đây, nước mông lung
Ồ! Dáng “bụt mọc” thơ Tố Hữu
Kia! Vườn xoài nở, trắng hoa buông

Sáng nay con về, giữa ngàn muôn
Như tình thơ cũ vẫn đọc luôn
Hút trong mắt nhỏ không gian lớn
Cảnh lạ, mà quen! Ngút yêu thương…

Sáng nay con về, xin khóc muộn
Kể chuyện Bác hay, hóa kể suông
Nay mắt trân nhìn, lòng con rõ:
Chuyện kể rằng hay, thực hóa buồn…

Sáng nay con về, nghe vấn vương
Thấy Người đứng đó, trời mưa tuôn…
Lom khom chống gậy, quần cao thấp
Chầm chậm Người ơi… kẻo ống buông!

Ao cá thì to, mưa cứ tuôn
Con sợ ô mỏng bé cỏn con
Bốn kẻ dâng cơm, Người đâu muốn
“Để mình Bác sang, nhọc chút thôi!”

Sáng nay con về, Bác đâu rồi?
Phải chăng nơi đó, Người đang ngồi
Việc nước luôn tay, dòng đang vội
Mà sao to thế, tiếng “ra- dô”?

“Ai đó tắt đài nhé, Bác ơi!
Bác viết xong rồi, còn nghỉ ngơi?”
Giật mình. Im ắng! Đừng, đừng tắt…
Cháu ạ, nơi đây… vắng tiếng người!

Sáng nay con khóc, thật, Bác ơi!
Thương lắm, cụ già trong giấc mơ
Nay đứng đây rồi, Người hiện hữu
Tiếng lòng con, mà tưởng tiếng thơ…

Biên Hòa, tháng 9 năm 2009
HẠ THI

Như cánh Vạc bay

Thói quen nghe nhạc Trịnh, nhấm nháp vị đắng của ly café cuối tuần vẫn luôn tồn tại đâu đó, nhất là những buổi trời mưa, cái lắng đọng, cái thấm thía càng rõ rệt. Không gian tĩnh là chiếc nôi nuôi cảm xúc âm nhạc Trịnh Công Sơn lớn dần trong những trái tim ưa trầm mặc. Tôi biết hát nhạc Trịnh từ năm 16 tuổi, nhưng bắt đầu biết cảm nhận thì phải đợi lỡ dỡ vài ba cuộc tình…

Lần đầu tiên cất tiếng hát, giai điệu tự nhiên tuôn nơi đầu môi mà chính tôi cũng không nhớ mình biết đến nó tự bao giờ! Tiếng ghi – ta thùng chảy theo dòng cảm xúc ngây ngô của đôi tim mới lớn, cuốn vào trong những tình cảm chớm nở thuở chưa biết đau thương. Bóng hồng trong ca khúc thật đẹp, nét đẹp “Hoa ghen liễu hờn” của Kiều với ngôn ngữ khuôn sáo mang tính ước lệ đậm nét. “Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em…?”

Giai điệu mới cất lên mà như đã quen lâu vì nó mang đậm chất Trịnh, lột tả phần hồn của từng câu chữ trong ca từ. Không một lần khen người tình bằng chữ “đẹp”, chữ “xinh”, mà với cái cách thổi tình cảm con người vào thiên nhiên cho ta hình dung rõ nét diễm kiều đến xao lòng người: “Gió sẽ mừng vì tóc em bay, cho mây hờn ngủ quên trên vai, vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…..” Gió mừng và mây hờn hay chính tác giả đã buồn đã vui, đã cuốn theo những cảm xúc xoay vần?... Xa những cảm xúc trong trẻo thuở nào, tôi dần quên những giai điệu dìu dặt, quên dần cách hát mộc mạc đều đều với tiếng ghi – ta thùng. Một ngày, tôi cầm chiếc micro, giữa không gian trầm lắng một tối cuối thu, cất giọng ngân nga: “Nắng có hồng…” bỗng giật mình nhìn thấy từng lời tuôn ra khe khẽ, chầm chậm, nắn nót…

Dường như có chút gì mênh mông man mác trong lòng tôi bật ra theo giai điệu, mắt tôi hút vào một ánh nhìn sâu thăm thẳm, tình yêu ngập tràn, đẹp mà sâu… Kẻ đồng hành ngày xưa cùng chiếc ghi-ta thùng đã rẽ sang hướng khác, người cùng đi chung với tôi một con đường là ánh mắt dìu dịu kia đang nhìn! Dẫu vậy, nghe vẫn cồn cào chút âm điệu xưa trong dạ… “Nắng có còn hờn ghen môi em, mưa có còn buồn trong mắt trong?...” Điệu tính bỗng đổi sang trưởng, câu hỏi của ông Trịnh sao nghe như thể đang tìm lại nét kiều diễm xưa, như đau đáu …còn không? Thưa người, giờ đây nét thơ ngây trong trẻo đã loang chút màu suy niệm, nét diễm kiều có thêm chút trải nghiệm đã hóa vị mặn mà, chắc vì vậy mà tôi không thể tuôn hời hợt cái quỹ đạo giai điệu này như xưa nữa, mà phải chầm chậm, nắn nót như lời hứa, lời thề nguyền! Nghe như tiếng người xưa đang oán trách: “Từ lúc đưa em về, là biết…xa ngàn trùng!”

Phải, người đã đẩy thuyền tôi ra xa con sóng năm nào, người đã tự đi tìm bến bờ đẹp, khi mà mắt tôi còn chưa hiểu hết ý nghĩa những giọt lệ…và vì thế người đã đưa tôi về đây, bình yên, không vướng bận. Xin cảm ơn người! Ánh mắt kia sẽ theo tôi suốt chặng đường còn lại, tôi nguyện chìm lắng, ngủ vùi vào bể sóng lung linh ấy, dẫu tôi biết con sóng sẽ chẳng phải êm đềm… “Suối đón từng bàn chân em qua, lá hát từ bàn tay thơm tho, lá khô vì đợi chờ, cũng như đời người mãi âm u…” Với tôi, người xưa đã thôi đợi chờ. Vậy thì tại sao đang sáng lên một nét trưởng trong xanh cùng câu hỏi mở, lại buồn bã trở về điệu thứ, nghe hiu hắt, mênh mang, cũng như buổi xế chiều nối ngày và đêm, đưa màu vàng vọt của hoàng hôn thổi vào ánh nắng đang rạng ngời. Phải chăng ca khúc muốn rót vào tôi một điềm báo mơ hồ cho niềm tin trong lành nơi tình yêu trong tôi? Tôi đã nguyện ngủ vùi trong bể sóng tình sâu thẳm nơi ánh mắt kia, có ngủ yên…?

Hai năm rồi tôi không trở lại phòng trà xưa, tối nay sao người lại lái xe đưa trở về. Hai trái tim vẫn trao đổi cùng nhau 1 lời nói, mắt người vẫn nhìn tôi xa xăm, gửi gắm, thế mà, bên cạnh chúng tôi giờ đây đã có thêm vài ba ánh mắt lạ. Chấp nhận! Không oán than. Tôi lại cầm micro đưa lên môi ngân nga: “Nắng có hồng…” Đến phút giây này, tôi biết. Môi đã nhạt hơn nắng, mắt …vẫn buồn hơn mưa! Đâu đó tiếng người xưa bên cây đàn ghi – ta thì thầm: “Nơi em về ngày vui không em? Nơi em về trời xanh không em?” Khen cho ông Trịnh khéo trêu ngươi, bày chi câu hỏi chua cay, nghe như kiểu mỉa mai, nhạo báng… Người xưa đã cập bến yên vui, còn dõi theo chi con thuyền giữa sóng đời bão tố để nay nhìn tôi cất tiếng cười ngạo nghễ… Nơi em về, ngày vẫn vui và trời vẫn trong xanh, dẫu dấu trong tim là vết dao sắc nhọn, rỉ máu…

Người đâm vào tim tôi, chính là tự đâm vào tim người. Tôi hiểu, vết đau tim người còn sâu và rộng hơn vết đau người để lại nơi tim tôi. Xin Người hãy cất bớt giùm tôi thứ nồng nàn trong ánh mắt cũ, vì ngày mai đây, môi người sẽ đặt nụ hôn lên một đôi môi lạ, dù thấy vị có hờ hững, có đắng cay, thì môi tôi vẫn cứ nhạt hơn nắng mất rồi… Lạ lẫm, dò dẫm trong chính những ca từ quen thuộc, tim tôi đau đớn mở ra đón nhận cảm xúc mới, lời ca tôi muốn buông lơi mà sao tuôn ra lại cứ nghẹn ngào… “Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…" Người thì thầm: “Anh muốn tặng em 1 cái hôn trên sân khấu. Em hát đi” Tôi thì thầm: “Ngày xưa như cánh vạc bay là của riêng em, nay em tặng lại cho anh, riêng anh, dù ta sẽ không bao giờ được ở chung 1 nhà…”

Tôi vẫn thường hát “Như cánh vạc bay” trong nhiều không gian khác nhau, nhưng chưa một lần trở lại phòng trà xưa. Mỗi khi cất lên, dù không còn ánh mắt nào nồng nàn, gửi gắm, tôi vẫn biết tim người đang nối cùng tim tôi 1 nhịp. Lời hát giờ đây thấm thía, ngọt ngào của một trãi nghiệm; mặn mà của nỗi nhớ không còn da diết thiết tha, mà sâu và lắng một niềm tin. Tôi vẫn đợi người!

13 thg 9, 2009

Điểm hẹn cuối tuần - kỳ 2-2009

- Thân chào các bạn đến với chương trình “Điểm hẹn cuối tuần” được phát trên sóng FM 97,5 Hz. Chương trình được phát sóng định kì vào chiều thứ sáu hàng tuần lúc……

- Chương trình kì này, Hạ Thi xin được giới thiệu với quý vị và các bạn 2 chuyên mục “Musis blog” và “Những trang viết hôm nay”. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

MUSIS BLOG:

Thưa quý vị! Âm nhạc là xuất phát từ cuộc sống, để rồi quay về phục vụ cuộc sống. Âm nhạc từ buổi sơ khai là những âm thanh độc đáo mà giản dị bật ra từ đời thường. Theo dòng thời gian, âm nhạc dần phát triển, trau chuốt và đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Mỗi nhà sáng tạo nghệ thuật là một nghệ sĩ, tự đi tìm một cách thể hiện riêng, cách sống riêng với niềm đam mê của mình. Xuất phát của niềm đam mê rất khác nhau, nhưng đích đến thì chỉ có một: phục vụ cuộc sống.

Âm nhạc phản ánh nhiều mặt của cuộc sống, từ đời sống thực đến đời sống tâm hồn. Qua mỗi lăng kính của người cảm thụ, âm nhạc được cảm khác nhau, nhìn nhận khác nhau và khắc họa khác nhau.

Giữa lúc thị trường âm nhạc đang bão hòa, các giá trị bị đánh đồng và đảo lộn, người nghe quá bận rộn với cuộc sống và hết hứng thú với những phô trương, ta bắt gặp nhạc Trần Tiến giản dị và giàu tính nhân văn, xuất phát từ những điều đơn giản nhất và phục vụ cho chính những điều vô cùng giản đơn. Nhạc Trần Tiến của thế kỉ này bắt nhịp một cách hài hòa với hơi thở thời đại, đồng thời giữ được nét riêng độc đáo, không bị lẫn lộn trong những sản phẩm phụ không mong muốn của giai đoạn kinh tế thị trường. Lắng nghe và cảm nhận âm nhạc Trần Tiến, ta thấy lí lẽ yêu thương luôn giản đơn, đó cũng là nơi bắt nguồn và kết thúc của cuộc sống. Đến với chuyên mục “Musis blog” hôm nay Hạ Thi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn bài cảm nhận về Nét thực và giản dị trong âm nhạc Trần Tiến, bài viết “Âm nhạc Trần Tiến – Ngẫu hứng đời thực, giản dị mà độc đáo”, đăng trên ………….

Những ai yêu thích nhạc của Trần Tiến đã không ít lần được nghe những câu hát ngẫu hứng mà chứa đầy tình, lý và cả tâm hồn phóng khoáng của người nhạc sĩ. Cái hồn âm nhạc trong những phút ngẫu hứng ấy lạ nhưng quen, từ ca từ cho đến giai điệu. Cũng có sự bay bổng, lãng mạn và cũng có những bài hát hiện thực hoá cuộc sống, tình yêu con người.
Khi Trần Tiến du ca trên khắp nẻo quê hương đểA sáng tác Tạm biệt chim én, Chiếc vòng cầu hôn, Thành phố trẻ, Giai điệu Tổ quốc, Dòng sông mùa thu… Đó là Trần Tiến trẻ trung, giàu nhiệt huyết với một tuổi thơ dữ dội.

Cuộc cách mạng của Trần Tiến bắt đầu bằng hàng loạt những ca khúc ngẫu hứng. Đó là những cảm nhận chợt đến và nhạc sĩ là người nắm bắt được cái hồn đẹp để tạo nên những bài du ca.

“Sự khác biệt giữa tôi và người khác không phải vì cái mặt mà là điều ở bên trong cái mặt. Sự khác biệt của thế hệ, của kỷ niệm, của những bất hạnh và hạnh phúc khác nhau trong những cuộc đời khác nhau.”

Nhạc Trần Tiến rất chân thực, đời thường, đơn giản mà lại sâu sắc, nhiều ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Có những bài rất lạ, độc đáo, vui vẻ khiến người ta nghe và hát theo, thấy tâm hồn chợt vui, chợt đồng cảm lạ…

Trần Tiến viết không phải vì sự yêu thích hay thị hiếu của người hâm mộ nhạc ông. "Tôi sáng tác nhạc cho những gì tôi cảm thấy thật quyến rũ, tôi không chỉ làm nhạc theo cách mà mọi người thích nghe!".

(
www.coinguon.com). Nghe nhạc Trần Tiến, ta cảm nhận một nét trong trẻo, tươi xanh như chính tâm hồn ông vậy. Với ông, âm nhạc là thứ để sống. "Nhạc là con tàu đưa tôi đến một cõi sống khác, một cõi có thể là hành tinh của một hoàng tử bé nào đó. Với tôi, nhạc là một thứ để sống chứ không phải để thưởng thức. Âm nhạc sẽ bị quên đi, lời ca sẽ bị quên đi, chỉ còn lại cảm giác sống". (www.vietbao.vn).

Cảm giác sống đó, Trần Tiến đã chuyển tải thành mạch cảm xúc bất tận, cứ tự nhiên tuôn tràn và bay lên khỏi những suy tư đời thực, khỏi những vướng bận bởi mục đích sáng tác để vút cao thành một giai điệu, với ca từ là lời tâm sự, là điều muốn nói – mà đôi khi điều muốn nói đó chỉ là một trong những ánh nhìn vào đời thực. Ngẫu hứng trong âm nhạc Trần Tiến không chỉ là chút tùy hứng ở hoàn cảnh sáng tác, mà còn là mạch cảm xúc tự nhiên trong cả ca từ, đề tài lẫn mục đích hoàn thành tác phẩm. “Tôi không bao giờ có dự định viết nhạc cho thiếu nhi hay bà già, mà tôi chỉ viết khi có hứng. Mà hứng thì không biết sẽ dành cho ai, có thể là con voi trong sở thú!” (
www.VnExpress.net).

Vì lẽ đó, nhạc của ông mang hơi thở thời đại, nhưng đậm chất dân tộc; mang một chút ngông nghệ sĩ, chút lãng du, nhưng không bừa bãi, cẩu thả mà vô cùng độc đáo và đầy
tính nhân văn. Nghe “Mưa bay tháp cổ”, ta thấy rõ điều này.

Chỉ là chút cảm nhận về cội nguồn, về văn hóa, qua một lần trông thấy hình ảnh những ngọn tháp xen lẫn những ngôi mộ cổ chìm trong mưa, ông viết không để dự thi “Bài hát Việt” mà chỉ để những cảm nhận bay lên thành giai điệu, để thể hiện chút tình yêu với những giá trị lịch sử quê hương. Khi bài hát cất lên lần đầu, dòng cảm xúc người nghe lập tức được dẫn dắt, từ chỗ ngạc nhiên, chưa hiểu, đến chìm dần, sâu lắng…

Lắng nghe bài hát, ta thấy ca từ được tuôn ra rất tự nhiên, đôi chỗ không liền mạch, dường như là “nghĩ đến đâu hát đến đấy”. Giai điệu mộc mạc, đầy chất dân gian nhưng vô cùng độc đáo. Quen mà lạ, lạ nhưng vẫn là chất Việt, tâm hồn Việt. Thoạt nghe ta thấy chất huyền bí, sử thi, nhưng ẩn chứa trong mỗi câu từ là lời ca ngợi, tôn vinh nét đẹp vĩnh hằng của văn hóa dân tộc. Sự lặp lại của ca từ và giai điệu nói lên nét dung dị, giản đơn mà bền bỉ như chính những giá trị văn hóa mà ca từ đó, giai điệu đó miêu tả. Độc đáo là ở chỗ ca từ quyện vào trong giai điệu, tạo nên chất của ca khúc, nhưng đồng thời cũng là bức tranh tái hiện lại cái chất của đề tài – điều muốn lột tả. Đó cũng chính là tính nhân văn của “Mưa bay tháp cổ”. “Ca từ mang lời kinh về các vị thần, về trời đất, Phật, âm dương... trong cõi hư vô. Những kiếp người đi qua cõi đời mộng du, đi qua trái đất này. Tôi cảm ơn trời Phật, những đấng tạo hóa, cảm ơn cha mẹ đã sinh ra tôi và cảm ơn tất cả mọi người đã yêu mến tôi cho tôi nguồn vui sống với đời.” (
www.vietbao.vn)

Sự trong trẻo, dung dị của âm nhạc Trần Tiến là xuất phát từ sự chân thực trong cảm xúc và sự am hiểu sắc thái âm nhạc dân tộc. Trong trẻo ở giai điệu tươi mát, trẻ trung. Dung dị ở ca từ, chất liệu âm nhạc. Nghe “Bình nguyên xa vắng”, ca khúc xuất hiện trong album “Đối thoại” của Hà Trần năm 2006 ta cảm nhận bức tranh bình nguyên xanh sống động, mượt mà. Đó chính là chất thực và bình dị mà độc đáo của cõi âm nhạc Trần Tiến. Giai điệu không chút gò bó, nhiều tiết nhịp được lặp đi lặp lại, là thể hiện chân thực nguồn cảm xúc đang chảy, chứ không phải là “nặn” ra, vẽ nên, hay cố gắng hoàn thành. “Gió núi hoang vu về, nước suối mênh mang tràn, hoa Quỳ trong nắng vàng. Lãng đãng sương giăng hồn, mái tóc hương đêm buồn. Quê nhà tôi thương nhớ…”. Vẫn với phong thái tự nhiên, nhẹ nhàng, ca từ tuôn ra như dòng suối nơi bình nguyên xanh trong kí ức tác giả; giai điệu êm ái, văng vẳng dịu dàng như vọng về từ sâu thẳm một miền kí ức nào đó, ngọt ngào, đẹp đẽ mà tha thiết xa vắng. Một lần nữa, ta bắt gặp sự hòa quyện, trộn lẫn giữa ca từ và giai điệu để vút lên những suy tư chân thực, sâu lắng.

Âm nhạc Trần Tiến dung dị, giản đơn không bởi vì ông thích sáng tác nên những ca khúc đơn giản, mà xuất phát chính từ quan niệm sống của chính tác giả, “âm nhạc là cuộc sống”, mà “sống là để yêu thương!”. “Giấc mơ Chapi” là một giấc mơ bình dị giữa đời thường nhưng mấy ai thực hiện được.

“Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi caoCó hai người, chỉ có hai người yêu nhauHọ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưaCó một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau…”

Chìm vào giai điệu tha thiết của "Giấc mơ Chapi" người ta mới thấy hết được cái chân thật, giản dị và trong sáng đến tuyệt vời của tình yêu. Tình yêu ấy dường như chỉ có trong giấc mơ mang tên Chapi. Nghe “Giấc mơ Chapi” mới thấy rõ chất lãng du, tình thương yêu cuộc sống của tác giả. “…Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi…”, mộng nhưng cũng rất thực “…tôi nghe Chapi chợt thấy nao lòng, vì một giấc mơ…”

Giai điệu bài hát trong sáng, khoáng đạt nhưng cũng dìu dặt như gió núi cao nguyên. Chính sự trong trẻo của âm hưởng núi rừng; ca từ giản đơn mà đầy tính triết lí, nhân văn sâu sắc về tình người, về khát vọng, mơ ước một cuộc sống đẹp đã tạo nên sự hài hòa, cái hay của ca khúc, chứ không phải hiệu quả phối khí. Bởi chỉ bằng sự giản dị của tiếng đệm ghita mộc là đủ tôn vinh cảm xúc “Giấc mơ Chapi”. Với Trần Tiến, độc đáo không phải là cầu kì, trau chuốt, bóng bẩy, hay độc đáo là tách biệt với đời, với người. Mà cái độc đáo làm nên màu sắc âm nhạc của riêng ông chính là sự giản đơn, gần gũi, thực… “Sơn càng mù mờ thì tôi càng hiện thực. Sơn càng cô đơn, càng thân phận, thì tôi càng đám đông...” (Trần Tiến tự so sánh với phong cách sáng tác của Trịnh Công Sơn -
www.vietbao.vn)

Thực trong cảm xúc, thực bộc lộ qua ca từ, hát là nói bằng giọng của riêng mình. Bắt kịp cái mới của thời đại, nhưng chưa bao giờ rời xa cái chất của dân tộc. Điều này không chỉ thể hiện trong những giai điệu đậm chất quê hương mà còn độc đáo, sâu sắc trong cách vận dụng ngôn từ. “Ca từ là 50% của ca khúc, nhưng với tôi nó là 60 - 70% của ca khúc, nhất là với âm nhạc của thế giới hiện nay thì nó chiếm rất cao bởi lượng thông tin. Và tính giai điệu ngày nay phải nhường chỗ cho hòa âm, nhịp điệu, tiết tấu và lời ca. Vì vậy ca từ hiện đại cực kỳ quan trọng.” (
www.vietbao.vn)

Cách vận dụng ngôn từ chính là một trong những yếu tố tạo nên nét độc đáo của âm nhạc Trần Tiến. Nhạc của ông không hề có tính công thức cứng ngắc, vì thế nó khác hẳn những đoạn nhạc tẻ nhạt thường thấy trong thể loại nhạc pop đang được thịnh hành. Trái lại, chúng có tính cách kể chuyện hay đối thoại thật mạnh mẽ. Ca từ được dùng trong những ca khúc của ông cứ bật ra, nhẹ nhàng tựa như văn nói, văn trò chuyện, không trau chuốt mà đầy tính triết lí nhân sinh. Mà ông kể chuyện thật, những câu chuyện trầm mặc mang hơi thở của cuộc đời, tả thực những con đường, những phố, những vùng miền đã từng in dấu chân nhạc sĩ. “…30 năm du ca một lần trở về thăm phố cũ, tôi thấy mình tạm dừng bước lãng du, dẫu đã muộn cũng ghi lại đôi nét kí họa về những con đường đã đi qua, những người đã gặp, đã đi chung cuộc hành trình qua cõi đời ngắn ngủi này. Đó là lời tạ lỗi của tôi với những gì cuộc đời đã cho. Đó là bức thông điệp của người con gửi lại quê nhà, của người em gửi vạn kiếp phôi pha, của người bạn đời thủy chung son sắt…” (Lời bạt của Trần Tiến trong album “Tự họa”).

…Chuyện một phố núi nghèo êm ả mà đầy những mảng hình ảnh chân thực về 1 góc cuộc đời. “…Thung lũng buồn, trong mờ sương, nhà tôi chênh vênh trên đèo mây. Phố núi nghèo, như bàn tay. Nhà bên kia vẫy nhà bên này…” Những câu chữ nhịp nhàng như thơ, giai điệu êm ả mà chất chứa nỗi buồn mênh mang tha thiết, nhưng không để nhìn thấy sự bi ai, sầu khổ mà cùng với sự đều đặn của ca từ, tính nhịp nhàng của giai điệu tác giả phác họa một “Phố núi” với nỗi buồn trôi đi, hiền hòa song hành với những cuộc đời nơi đó. Buồn mà không thống thiết, sầu thảm, buồn mà không mất đi niềm vui sống, buồn chỉ như một điều ngẫu nhiên trong đời, day dứt, man mác, mà để lại nhiều vương vất, xót xa… Nỗi buồn đó đã xuất hiện trong “Chị tôi”, cũng với giai điệu nhịp nhàng, đều dặn, trôi đi với ca từ xâu chuỗi thành một câu chuyện dài cả đời người. Không buồn ở giai điệu, ca từ… mà nỗi buồn nhân lên dần ở cái cách lặp đi lặp lại một đoạn nhạc, với mỗi lần lặp lại là một trang đời được lật sang, nhẹ nhàng mà đau đáu suy tư… Ở “Chị tôi”, không cần kĩ thuật của ca sĩ, không cần bản phối độc đáo, không cần ngôn từ sâu, rộng, triết lí để phải suy ngẫm, tất cả chỉ là sự lặp lại giản đơn một giai điệu với từ ngữ nhẹ nhàng, mà chứa đầy cảm xúc thực là đủ sâu lắng cho toàn bộ tác phẩm. Ngôn từ Trần Tiến còn sống động ở cách lột tả thực, đậm nét một chân dung, dù không sử dụng một từ ngữ nào bóng bẩy. “…thung lũng buồn, bên nhà rông. Người thiếu nữ vú cao môi hồng, tà váy rộng gió thổi tung, bắp chân trần như chớp đêm giông…” (Phố núi).
….Và chuyện về một đêm chơi vơi, nhạc sĩ tự họa bằng cây đàn ghita và những miền kí ức xa xôi, chắp vá, với những mảng màu rời rạc… “…Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng. Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu. Một màu nâu nâu, một màu tím tím, màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng…” Nếu như ở “Bình nguyên xa vắng”, “Ngẫu hứng phố”, “phố núi”… ca từ và giai điệu tuôn ra nhẹ nhàng như câu chuyện kể thì ở “Sắc màu”, câu chuyện thậm chí không có lời dẫn, không có nội dung tròn trịa; Đơn giản là những tự sự, những suy tư trầm mặc… tưởng như chỉ là tái hiện của những mảng kí ức không tên gọi, nhưng rồi ở cuối câu chuyện, như một lời kết, lời lí giải cho tất cả những tùy hứng bên trên, là một câu hỏi không lời đáp về chính mình, một cái giật mình đầy trắc ẩn. “Một đêm nhớ, nhớ…nhớ ra: mình một mình! Một đêm nhớ, nhớ ra… mình đã ở đâu đây? Một đêm trong đêm thâu! Làm sao vẽ bóng tối? Làm sao vẽ cánh hoa đêm…không màu?...” Nếu như có đứa con tinh thần nào của Trần Tiến gói gọn đầy đủ nét nhạc của ông: sự ngẫu hứng từ đời thực, đưa dòng giai điệu ngân lên từ những câu chữ rất đỗi đời thường; sự giản đơn làm nên độc đáo; câu chữ giản dị mà đầy trắc ẩn… thì, đó chính là “Sắc màu”.

…Rồi chuyện ngẫu hứng một lần về thăm con phố Hà Nội xưa. Chuyện ngẫu hứng, nên giai điệu như buông lơi, ca từ như lời kể, nhưng là kể về cả một miền kí ức xa xôi, thiêng liêng. Giản dị thôi với bụi bặm đường phố, bia hơi vỉa hè, với mùi ngô nướng xém, Hà Nội trở về gần gũi và bình thường, nhưng xa vời, khó với…

“Hà nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất bạn bè thôiHà nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất tình người thôi”…

Lời mở đầu “Ngẫu hứng phố” đã nghe như một trải nghiệm khá chua xót, đầy trách móc Hà Nội. Nhưng, đó chỉ là ngẫu hứng qua một lần dạo phố Hà Nội cùng một người bạn khá đồng cảm – Nguyễn Cường.

“…Hà Nội cái gì cũng buồn, buồn thương đến thế mùa thu ơiHà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hẻHà Nội mùa mưa bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùaHà Nội mùa đông quán đê thơm nồng mùi ngô nướng xém.Hà Nội là em vụng dại thầm kín một thời thiếu nữHà Nội mẹ tôi vấn khăn nâu sòng , một đời áo cũ, thương con mắt đỏ chờ chồngHà Nội lúc nào cũng bụi, cả nhà ra ngắm hồ gươm xanh…”

Giản dị, đầy ngẫu hứng và đầy kỷ niệm!
“Hà Nội tiết trời giá lạnh chỉ cho êm ái bàn tay anhHà Nội có lần khóc thầm, chạy lên thang gác bóng mẹ còn đâuHà Nội có gì rất đau người ta yêu dấu đi không trở lạiHà Nội Hồ Gươm bình rượu ngàn năm để lại bên phố nghiêng buồnHà Nội nghìn thu lối xưa xa ngựa đành lòng thương nhớHà Nội đầu ô, một chiều đầu gió, một người không nỡ quay vềHà Nội lòng tôi giấc mơ xa vời của người xa quê”.

Chân thực, đời thường, đơn giản…mà sâu sắc! Đó là âm nhạc Trần Tiến, độc đáo bởi cách vận dụng ngôn từ, những điều ngẫu hứng từ đời thực trong 1 phong cách giản dị, mộc mạc quê nhà. 16 câu nhạc là 16 câu thơ, 16 tiếng gọi “Hà Nội!”. Cách vận dụng điệp từ trong âm nhạc Trần Tiến nghe sao gần gũi, không chút cường điệu, mà dịu dàng, sâu thẳm, chân thực. Nghe “Sắc màu”, “đen trắng”, “ngẫu hứng phố”… thấy những suy nghĩ chân thành như lời đối thoại của một câu chuyện kể, ngẫu nhiên hóa câu hát cứ vút lên, ngân nga cùng tiếng đàn ghita gỗ lúc trong trẻo, mộc mạc, lúc trầm buồn đầy tâm sự. Độc đáo ở chỗ ngẫu nhiên từ những điều giản dị đấy, nhưng chưa bao giờ là lơi lỏng những suy tư, cẩu thả trong nghệ thuật. Với Trần Tiến, cả đời đi học tiếng Việt vẫn còn chưa đủ để phục vụ cho nghệ thuật “sống với âm nhạc” của ông. “Suốt đời đấy! Phải suốt đời đi học tiếng Việt. Đi sang London ấy, đài BBC hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Thì tôi bảo thế ông mời tôi đến đây làm gì, mời tôi phỏng vấn hay là mời tôi nói tiếng Anh. Tôi đang học tiếng Việt ông ạ. Họ tái mặt, và tay Trưởng ban Việt ngữ đài BBC bị kỷ luật, mất chức luôn(!)”.(
www.vietbao.vn)

Hóm hỉnh, chân thật, mà tùy hứng, ngông như chính nét nhạc của mình, nhạc sĩ trả lời báo giới không chút suy tính về việc vận dụng ngôn ngữ Việt trong âm nhạc Trần Tiến.

Chất ngẫu hứng trong âm nhạc Trần Tiến như là một nét riêng độc đáo, rất nhiều ca khúc có tựa đề bình thường như chính cái cách mà người nhạc sĩ tài hoa này sáng tạo nghệ thuật: “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Ngẫu nhiên”, “Tùy hứng lí ngựa ô”, “Tùy hứng lí qua cầu”, “Ngẫu hứng giao duyên”, “Ngẫu hứng phố”… rồi những đứa con tinh thần để lại cho giới thưởng thức âm nhạc nhiều ấn tượng sâu sắc với những suy tư, trắc ẩn như “Sắc màu”, “Mưa bay tháp cổ”, “Dòng sông mùa thu”, “Phố núi”… nhưng với chất ngông Trần Tiến, ông vẫn “thú nhận” đó cũng chỉ là những … “ngẫu hứng”! Chỉ là 1 chút ngẫu hứng, nhưng hình như là chắt chiu, trải nghiệm của cả một đời người. "Ðể viết một bài hát mới tôi chỉ cần 15 phút và ...50 năm kinh nghiệm". (
www.coinguon.com)

NHỮNG TRANG VIẾT HÔM NAY


- Tiếp theo chương trình, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chuyên mục “Những trang viết hôm nay”.
- …………………………….
Quý vị và các bạn thân mến, chúng ta vừa theo dõi chương trình “Điểm hẹn cuối tuần” của Đài PTTH Đồng Nai, Hạ Thi xin chào và xin hẹn gặp lại quý vị trong trình tuần sau.


Điểm hẹn cuối tuần - kỳ 1-2009


- Thân chào các bạn đến với chương trình “Điểm hẹn cuối tuần” được phát trên sóng FM 97,5 Hz. Thưa quý vị! Nhịp sống hiện đại lôi cuốn những bước chân năng động, ồn ã với công việc, tấp nập với những lo toan, đôi khi việc giải trí ta cũng phải vội vã, thời gian không còn đủ cho những phút thưởng thức, chiêm nghiệm, và phân tích khía cạnh nghệ thuật của những sản phẩm mới thuộc về giải trí, nhưng đồng thời cũng chính là những suối nguồn cảm xúc nuôi dưỡng đời sống tâm hồn. Với nhu cầu thiết thực khơi dậy những mạch cảm xúc bất tận về văn học nghệ thuật để phần nào cân bằng nhịp sống hiện đại, Đài PTTH Đồng Nai hân hạnh giới thiệu đến bạn nghe đài chương trình “Điểm hẹn cuối tuần”, sẽ chuyển tải đến các bạn những thông tin cần thiết bổ ích về văn hóa, văn nghệ, báo chí, du lịch, điện ảnh, và mua sắm. Chương trình được phát sóng định kì vào chiều thứ sáu hàng tuần lúc……

Trong kì ra mắt thính giả đầu tiên này, Hạ Thi xin được giới thiệu với quý vị và các bạn 2 chuyên mục “Tủ sách của bạn” và “Những trang viết hôm nay”. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

TỦ SÁCH CỦA BẠN:

- Phần đầu chương trình, mời quý vị và các bạn đến với chuyên mục “Tủ sách của bạn” để cập nhật thêm vào thư viện sách riêng của mình những quyển sách hay, có giá trị.

- Tủ sách của bạn hôm nay sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn một tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Ngọc Thùy Giang, tập thơ “Chia nửa cho ai?” NXB Hội nhà văn xuất bản tháng 9/2009.

- Thưa quý vị! Nhà thơ Ngọc Thùy Giang, tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh năm 1949, hội viên hội Văn học ngệ thuật tỉnh Đồng Nai. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê đất Long Thành, nhà thơ Ngọc Thùy Giang bắt đầu làm thơ từ rất trẻ, năm ông vừa tròn 11 tuổi. Những tác phẩm đầu tiên của ông khi đó viết về các chủ đề học trò, mùa xuân… Những năm cuối thập niên 60 – đầu thập niên 70 là thời gian chiến tranh khốc liệt, quê hương mịt mùng trong bom đạn.

Ngọc Thùy Giang trôi dạt từ Long Thành về Sài Gòn vừa đi học vừa làm thơ đăng trên các báo. Ông không chủ ý làm văn chương phản chiến nhưng đau thương tràn ngập thơ ông: Người chết trên rừng sâu hốc núi. Người ngã trên dòng sông buổi nao. Hòa bình, thanh bình, những tiếng ấy thường réo gọi trong thơ ông, chan chứa niềm tin về một ngày mai mơ ước.

Và nếu mai này thôi chiến chinh
Chim ca mừng nắng mới thanh bình
Khi quê hương trổ vàng bông lúa
Môi trẻ thơ cười thật ấm êm

Đó là bài thơ “Trong từng hơi thở” nằm trong tập thơ “Chia nửa cho ai” bài thơ này tác giả sáng tác năm 1970 và nhận giải ba của hội thi “Thơ ca mùa xuân” do đài PT Sài Gòn tổ chức.

- “Chia nửa cho ai” là tập thơ riêng đầu tay của Ngọc Thùy Giang sau gần 50 năm cầm bút. Được chọn lọc từ hàng trăm bài thơ in rải rác của tác giả, tập thơ này cũng là một cách nhà thơ “gửi đến người” tiếng nói của tâm hồn mình: tiếng nói tâm sự mà cũng là tiếng nói trước thời sự và thế sự. Tập thơ gồm bốn phần liên quan đến bốn chủ đề chính trong thơ Ngọc Thùy Giang. Ở phần đầu, “Chút hương ngày cũ” bạn đọc sẽ gặp lại những bài thơ tiêu biểu cho những năm tháng tuổi trẻ của ông:

Tất cả giờ đây đã nhạt màu
Tuổi trời chim mộng trót bay cao
Cho em một chút hương ngày cũ
Để khóc trong tim để nghẹn ngào

Có thể nói thời tuổi trẻ phản ánh trong thơ Ngọc Thùy Giang là một thời đầy hoa và lửa. Mộng mơ, khao khát tràn trong tim, nhà thơ gửi hết lòng mình cho niềm tin yêu và hy vọng vào một cuộc đời đẹp tựa những ước mơ:

Tôi muốn thấy ngày mai dù giông bão
Những con người không lừa đảo cùng nhau

Thuở sơ sinh cho đến lúc bạc đầu
Biết chia sẻ với thâm tình chân thật
Không phải yêu khi lòng đầy dao mác
Không phải cười khi kẻ khác khổ đau
Không phải vui khi tất cả nghẹ ngào
Không phải sống khi mọi người đã chết

Tình yêu thời hoa lửa ấy cũng lắm nồng nàn và lắm xót xa…

Mưa đã đầy trong nỗi nhớ này
Thưa em, chiều cũng rụng gầy vai
Ta nghe hồn đá xanh bia mộ
Từng giọt trần gian nhỏ ướt tay

Đọc “Mưa tương Như” của Ngọc Thùy Giang, nhà văn nhà báo Huỳnh Như Phương đã chiêm nghiệm: “Tôi thích hai chữ thưa em của anh, nó phả vào những từ ngữ có phần khuôn sáo kia, ý vị nồng đượm của cõi tình.”

Những bóng hồng đổ dài trong thơ ông khi thì nhẹ nhàng uyển

Rồi mùa thu gieo vàng trên đỉnh tháp
Bước em về mây thắp bốn phương che
Mưa rất nhẹ cho hồn đan lên tóc
Áo tung bay thương gót nhỏ hương thề

…khi lại thênh thang mây khói:

Ngày đã về trên đỉnh lá gầy
Nắng lên từ độ mới thơ ngây
Giờ trên tay đã se màu lụa
Thoáng bước em đi bóng đổ dài

- Phần thứ hai “Tự bao giờ tôi biết yêu thương” là những bài thơ thể hiện chút suy niệm trước cuộc đời của một người đã trãi qua những thăng trầm dâu bể. Nhà thơ không lí lẽ, cân đo về những “thiệt - hơn, mất – còn, không - có”, mà cảm nhận bằng trái tim với những xót xa về thời gian qua chuyến tàu dĩ vãng:

Hãy đưa tôi ra sân ga thời gian
Mua vé tàu về miền kí ức
Tiền trả là khát vọng đời lạc mất
Rơi rớt dọc đường những chặng tàu đi

Chút suy niệm ấy đôi khi nhẹ nhàng mà tươi tắn, tràn đầy niềm vui của một tâm hồn yêu thương cái đẹp:

Tự bao giờ tôi biết yêu thương
Bông lúa trổ gọi mùa về tha thiết
Tôi nợ ai điều chưa nói hết
Hay nợ người một giấc chiêm bao?...
Nếu chọn giữa thiên đàng và hiện thế
Tôi xin làm cát bụi trần gian
Để yêu người cho hết trăm năm
Dù cát bụi sẽ trở về cát bụi...

Thế mà đôi khi cũng thoảng đâu đó những tư lự trầm mặc, những nỗi niềm chưa kể cùng thơ, để rồi khi những phút giao mùa về nhà thơ lại một mình suy nghiệm:

Cuối năm một chút buồn chưa nói
Một chút buồn không hẹn chút vui
Ta đốt thời gian thành sương khói
Rải lên mái tóc muối tiêu đời

- Qua chủ đề tình yêu trong phần thứ 3 “Cớ gì hoa lá xôn xao”, thơ Ngọc Thùy Giang cho thấy hạnh phúc cũng có thật như niềm thống khổ. Dù là tình đầu sương khói, tình xa thất lạc, tình cuối nồng nàn hay tình xưa vừa nhóm lửa, tất cả đều gọi gió về làm xôn xao hoa lá. Người tình nhân trong thơ ông dễ tính, không đòi hỏi gì nhiều ngoài tấm lòng chân thật:

Dấn thân làm người yêu của nhà thơ
Em có tiếc những lụa là gấm vóc?
Dù tiếng cười luôn kề bên tiếng khóc
Hót lên đi hỡi chim nhỏ tuyệt vời!

Giản đơn và thầm lặng, người phụ nữ trong đời tưởng như nhỏ bé bình thường, mà rất đẹp trong tim nhà thơ

May mắn còn em giữa cuộc đời
Để ta về lúc chán rong chơi
Chợt nghe lời hát ru con ngủ
Mới biết tình yêu vẫn tuyệt vời

- Phần 4 của tập thơ “Thương nhau chẳng biết làm sao khóc”, bạn đọc đến với chủ đề tình bạn, với giọng thơ riêng biệt, độc đáo của tác giả, mà đồng thời là đến với sự đồng cảm cùng nhà thơ. Chìm vào những dòng thơ nhịp nhàng, du dương như nỗi nhớ da diết trong lòng tác giả gửi đến những người bạn đã khuất, mà ta nghe như đang chạm vào một vùng xúc cảm thiêng liêng, chạm rồi phải vội vàng rụt tay lại, vì sợ khuấy động một nỗi đau đến nao lòng, xót dạ…

Thôi bây giờ mày cũng đã bình yên
Con chim lạ tắt bên trời tiếng hót
Rượu chiều nay chỉ một mình tao rót
Uống một mình, say đến chết thì thôi!

Đau quá hóa khinh đời, nhà thơ bỗng nuốt giọt nước mắt chảy ngược vào trong mà ngất ngưởng thù tạc với hương hồn bạn…

Thôi bây giờ ở một cõi mù tăm
Mày có nhớ về đây cùng tao uống
Trời đất say hay tao đà ngất ngưởng
Để chửi mày: “Đồ chết tiệt, Thọ ơi!”.

Như nhận xét của nhà văn nhà báo Huỳnh như Phương thì “Phải nói rằng thơ Ngọc Thùy Giang khác hẳn về giọng điệu trong chủ đề tình bạn. Với những bài viết cho Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Đức Thọ, Nguyễn Đăng Hà… giọng trữ tình mượt mà bỗng chuyển sang giọng ngất ngưởng, khinh bạc, đôi khi pha lẫn cả tiếng chửi thề. Người thơ trân quý bạn bè, vì bạn bè là một phần cuộc đời anh, làm thức dậy một khía cạnh con người anh”

Chẳng bao lâu chúng ta là khứa lão
Hết một đời làm bạn cùng nhau
Suốt chặng đường đi qua giông bão
Vẫn yêu thương như thuở ban đầu

Và rồi…

Lâu gặp nhau lòng đôi khi nhơ nhớ
Gặp nhau hoài đâm chán cả nhân gian
Vẫn mơ ước khi nào ta sạch nợ
Rót cho nhau ly thân ái tràn đầy

- Thưa quý vị, tập thơ “Chia nửa cho ai”, tác giả Ngọc Thùy Giang, NXB Hội nhà văn xuất bản tháng 8 năm 2009. Hiện đang có bán tại các siêu thị sách tại Biên Hòa Đồng Nai. Quý vị và các bạn có thể sưu tầm để bổ sung cho tủ sách hay của mình.


NHỮNG TRANG VIẾT HÔM NAY

- Tiếp theo chương trình, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chuyên mục “Những trang viết hôm nay”

- Quý vị thân mến! Chuyên mục “Blog cuối tuần” của báo Đồng nai hình thành từ đầu năm 2008, đến nay đã duy trì gần hai năm, và đăng tải khoảng trên dưới 50 bài viết của đọc giả trong tỉnh. Đây có thể xem như một góc tản mạn nhỏ của những cây bút chuên va k chuyen thiên về cảm xúc. Thứ bảy cuối tuần ngồi café sáng, sau những bản tin, những sự kiện nóng, ta lại lắng lòng với những suy tư, song hành với tác giả, khi thì đi vào những miền xa thẳm trong cõi ấu thơ, lúc lại bồng bềnh trong những vùng nhớ nhung khắc khoải, cũng có lúc sẽ bật khóc khi rơi vào khoảng sâu thẳm nào đó không chỉ của riêng một ai…

Chuyên mục Blog cuối tuần phần nào làm giảm bớt áp lực công việc, cuộc sống và đưa đến bạn đọc chút xúc cảm của ngày nghỉ cuối tuần. Chuyên mục “Blog cuối tuần” của tuần này, số ra ngày 12/09/09 sẽ giới thiệu đến bạn đọc một bài viết với lối văn mềm mại, giản dị mà đọng lại nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm. Câu chuyện nhỏ về một bà mẹ quê với cô con gái cử nhân trẻ phản ánh một góc nhìn mới về hai chữ “sư phạm” mà đôi khi nhịp sống hối hả hiện nay chúng ta quên nhìn về nó. “Nỗi buồn một người mẹ” không dài nhưng là sự hòa nhịp của 2 dòng cảm xúc đối lập, một là nét cảm xúc đẹp được viết nên bởi trái tim rung cảm trước hình ảnh bà mẹ quê nghèo bỏ một ngày làm rẫy để đi dự ngày con gái lãnh bằng cử nhân, và một là sự nuối tiếc, suy tư trước cách cư xử chưa đẹp chưa hay của một vài cá nhân sống và phục vụ cho môi trường sư phạm… Tuy đối lập nhưng hòa quyện, cảm xúc này làm bật lên cảm xúc kia, và nếu thiếu một trong 2 bài viết lại trở nên nhỏ nhặt, bình thường. Đọc và suy ngẫm mới thấy hết nét đẹp nhân bản nhẹ nhàng mà sâu lắng trong lòng người viết, bởi trước một sự việc tưởng chừng như quá đỗi bình thường, lại hóa một ray rứt, một nuối tiếc, một nét buồn sâu đậm… để rồi bật lên thành một câu hỏi khó trả lời. Một chút cảm nhận thoáng qua, ngắn ngủi nhưng đọng lại câu hỏi nhiều suy tư sẽ để lại vương vấn trong lòng người đọc.

- “Nỗi buồn một người mẹ” tùy bút của tác giả Hoa Hạ sẽ đăng trên chuyên mục “Blog cuối tuần” Báo Đồng Nai số ra ngày 12/09/09, mời quý vị và các bạn cùng đón xem.

Quý vị và các bạn thân mến, chúng ta vừa theo dõi chương trình “Điểm hẹn cuối tuần” của Đài PTTH Đồng Nai, Hạ Thi xin chào và xin hẹn gặp lại quý vị trong trình tuần sau.

Tôi kể chuyện Bác Hồ

Tôi kể chuyện Bác Hồ, thuyết trình về Những lời Bác dạy Thanh niên, đạt được những giải thưởng đáng kể, tưởng đã gọi là “có chút kiến thức”, đã hiểu, đã cảm, đã thương Bác, kính Bác thật tấm lòng, đâu ngờ những cảm xúc đó xem ra còn rất hời hợt, sách vở khi giờ đây so sánh với những gì đang tràn ngập trong lòng tôi, sau chuyến xuyên Việt theo chân Bác vừa qua.

Cái cảm giác đầu tiên là tận hưởng niềm vui của sự may mắn đem lại, may mắn vì được một chuyến đi giá trị mà ít người có được, may mắn vì chuyến học tập mà cúng là “du lịch” về những miền Đất nước thương yêu mà tôi chưa từng đặt chân, may mắn vì tôi đang cần 1 chuyến đi... Khi đến điểm đầu tiên, niềm vui đó trở thành sự háo hức phập phồng trong lòng ngực như muốn bung ra ngoài, tôi say mê với chiếc máy ảnh, bấm tất cả những góc độ mà tôi cho là “giá trị”, ghi âm tất cả những lời hướng dẫn viên nói, tranh thủ tạo dáng mấy kiểu để có cái “khoe” với người ở nhà những nơi đã được đặt chân...

Nhưng, tất cả những niềm vui, háo hức đó hóa ra chỉ là những cảm xúc tầm thường khi trái tim tôi bắt đầu đón nhận những cảm xúc mới, thật hơn tất cả những cảm xúc tôi đã từng trải qua: nỗi thương và nhớ cụ già! Mảnh đất này đây, bạn ơi, Bác đã từng đứng, nói chuyện, học hành, suy tư về vận mệnh nước nhà, chiếc ghế dài này đây, chiếc bảng đen này đây, và kia bộ trường kỉ người thầy .... đã dạy.

Khi bắt đầu nhận ra cái cảm xúc thật thiêng liêng ấy, tôi tưởng mình không còn là cô gái dạn dĩ năng động, với cách nhìn sự việc cứng rắn, thực tế thường có, bởi giờ đây, cổ họng tôi cứ hay bị nghẹn nghẹn, mắt tôi cứ chực rơi rớt những giọt lệ xót xót dưới vành mi...vậy là, tôi không dám khóc, vì sợ tiếng giả tạo, vì sợ không thực với lòng mình! Lúc đó, đứng trước ngôi nhà thiêng liêng đã chứng kiến một sự kiện lịch sử đau thương của dân tộc, trong lời chuyện kể thì thầm như nghẹn ngào của anh thuyết minh viên, tôi nhìn thấy rõ ràng bóng Bác ngồi im bên bàn viết giữa gian phòng lạnh vắng, tôi nghe thấy rõ ràng tiếng radô bật to hơn mức cần thiết đang phát một bài dân ca xé tan không gian cô quạnh... vì sao ai đó không để yên cho Bác làm việc?

Mở như thế sẽ ảnh hưởng đến việc Bác đang làm mất? Không đâu, ai ơi đừng tắt, Bác mở đấy, Bác không muốn ai tắt cả, Bác cử mở đều đều giọng dân ca vẳng ra từ chiếc máy phát khi màn đêm buông xuống quanh nơi Bác đang ngồi, quanh ngôi nhà to mà quạnh quẽ, Bác mở đấy, vì ...”Bác muốn nơi đây có tiếng người!”. Trước nhà 54, tôi cũng đã nhìn thấy rõ ràng, không phải vị chủ tịch nước đáng kính, mà là một ông cụ đã già, đã đến lúc cần đến một tiếng bi bô gọi “ông” của trẻ thơ, đã đến lúc chiều chiều quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình...Vậy mà, ông cụ ngồi đó, áo bà ba nâu chòm râu trắng bạc, lặng lẽ gắp, lặng lẽ nuốt, lặng lẽ... ăn cơm một mình!...1 đôi đũa, 1 cái chén, một cái muỗng con, vì sao. Có ai để Bác cùng chia sẻ mâm cơm chiều, có ai? Bác không gia đình!... Bác Hồ ơi. Tiếng con nghẹn lại, không dám khóc.

Nấc trong bàn tay mà sợ ai đó chê cười, con kính Bác vì thế giới và cả dân tộc kính Bác, con thờ Bác trong tim vì sự vĩ đại của Bác, nay, con thương Bác xót xa vì Bác của con, ừ thì, chỉ là người bình thường, Bác ơi Bác chỉ là một ông già bình thường, không gia đình!...

Sao đành nghĩ đến “sum họp gia đình” khi chữ S đất việt còn bị chia đôi??? Ở những nơi đó tôi đã nhìn thấy, đã nghe thấy, đã khóc, không phải bằng đôi mắt và đôi tai, không phải bằng giọt nước mắt hay tiếng nấc nghẹn, mà chính bằng tiếng nói đã nằm sâu trong đáy lòng tự thuở nào nay mới chịu bật lên, tiếng nói cội nguồn, tiếng nói dân tộc, tiếng nói của trái tim biết yêu thương!

- Sáng nay con về thăm nơi Bác
Nơi Bác nằm yên, tay không buông
Hàng tre trong thơ, kìa! Xanh ngắt…
Vội vã con đi, nước mắt tuôn!

- Sáng nay con về thăm nơi Bác
Nơi Bác ngồi bên mâm cơm suôn
Con thấy ông già, đâu Chủ tịch?
Lặng lẽ Người ơi, bóng một mình!

- Sáng nay con về chân bước run
Ao cá còn đây, nước mông lung
Ồ! Dáng “bụt mọc” thơ Tố Hữu
Kia! Vườn xoài nở, trắng hoa buông

- Sáng nay con về, giữa ngàn muôn
Như tình thơ cũ vẫn đọc luôn
Hút trong mắt nhỏ không gian lớn
Cảnh lạ, mà quen! Ngút yêu thương…

- Sáng nay con về, xin khóc muộn
Kể chuyện Bác hay, hóa kể suôn
Nay đứng đây nhìn, lòng con rõ:
Chuyện kể rằng hay, thực mới buồn…

- Sáng nay con về, nghe vấn vương
Thấy người đứng đó, trời mưa tuôn…
Lom khom chống gậy, quần cao thấp
Chầm chậm Người ơi… kẻo ống buông!
Ao cá thì to, mưa cứ tuôn
Bác che ô mỏng bé cỏn con
Bốn kẻ dâng cơm, người đâu muốn
“Mình Bác sang, chỉ nhọc chút thôi!”

- Sáng nay con về, Bác đâu rồi?
Phải chăng nơi đó, Người đang ngồi
Việc nước luôn tay, dòng đang vội
Mà sao to thế, tiếng “Ra- dô”?
Ai đó tắt đài nhé, Bác ơi!
Bác viết xong, còn phải nghỉ ngơi.
Giật mình. Im ắng! Đừng, đừng tắt…
Cháu ạ, nơi đây… vắng tiếng người!

- Sáng nay cháu khóc, thật, Bác ơi!!!
Thương lắm, cụ già trong giấc mơ
Nay đứng đây rồi, Người hiện hữu
Tiếng lòng con, mà tưởng tiếng thơ…

Cụ già lòng con!

- Sáng nay con về thăm nơi Bác
Nơi Bác nằm yên, tay không buông
Hàng tre trong thơ, kìa! Xanh ngắt…
Vội vã con đi, nước mắt tuôn!

- Sáng nay con về thăm nơi Bác
Nơi Bác ngồi ăn, mâm cơm suôn
Con thấy ông già, đâu Chủ tịch?
Ngồi đó “mình ên”, ai cơm chung???

- Sáng nay con về, chân bước run
Ao cá còn đây, hồ nước trong
Ồ! Dáng “bụt mọc” thơ Tố Hữu
Kia! Vườn xoài nở, trắng hoa buông

- Sáng nay con về, thấy ngàn muôn
Như trong thơ cũ vẫn đọc luôn
Hút trong mắt nhỏ không gian lớn
Cảnh lạ, mà quen! Ngút yêu thương…

- Sáng nay con về, xin khóc muộn
Kể chuyện Bác hay, hóa kể suôn
Nay đứng đây nhìn, lòng con rõ:
Chuyện kể rằng hay, thực mới buồn…

- Sáng nay con về, con khóc luôn
Thấy người đứng đó, trời mưa tuôn…
Lom khom chống gậy, quần cao thấp
Chầm chậm Người ơi… kẻo ống buông!
Ao cá thì to, mưa cứ tuôn
Con sợ chiếc ô bé cỏn con
Bốn kẻ dâng cơm, người đâu muốn
Một người sang, chỉ nhọc chút thôi!

- Sáng nay con về, Bác đâu rồi?
Phải chăng nơi đó, Người đang ngồi
Việc nước luôn tay, dòng đang vội
Mà sao to thế, tiếng “Ra- dô”?
Ai đó tắt rồi nhé, Bác ơi!
Để Bác viết xong, còn nghỉ ngơi.
Giật mình. Lặng im! Đừng, đừng tắt…
Cháu ạ, nơi đây… vắng tiếng người!

- Sáng nay cháu khóc, thật, Bác ơi!!!
Thương lắm, cụ già trong giấc mơ
Nay đứng đây rồi, Người hiện hữu
Tiếng lòng con, mà tưởng tiếng thơ…

Tin văn hóa mới nhận